Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Bí Đỏ
Phần I: QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
CÂY BÍ ĐỎ
I. Giống
Giống: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giống nhưng chủ yếu có các giống chính như: F1 VINO 07; SONATA 808; PLATO 757…
II. Đất trồng
Bí đỏ trồng không kén đất, có thể trồng trên đất sỏi, đất ruộng ... nhưng phải đảm bảo đất được thoát nước tốt sau mưa.
Do bí đỏ được trồng gối sau khi thu hoạch bắp nên phải thiết kế líp trồng vào đầu vụ bắp để đảm bảo mật độ và khoảng cách cho bí.
Có thể thiết kế ruộng bắp theo mô hình sau
Hàng bí: Hàng cách hàng 5m x 5m.
Hàng bắp: 2 hàng kép cách hàng bí 0,7m. Hàng cách hàng 0,4m
3 hàng đơn khoảng cách 0,7m
| Bí đỏ tròn | Bí hạt đậu |
Mật độ trồng | Hàng x hàng: 5m Cây x cây: 0,5m (1hốc 1hạt) | 2,5m 0,5m |
Số lượng cây/ha | 4000 hốc/ha | 8000 hốc/ha |
Làm đất: Sau khi bắp đã trỗ cờ, phun râu tiến hành chuẩn bị đất để trồng bí. Làm sạch cỏ, cuốc hốc, bón phân lót
- Trong thời gian này có thể sử dụng thuốc diệt cỏ
- Khi bí đã trồng tránh không để thuốc ảnh hưởng đến sinh trưởng của bí.
Sau khi thu hoạch bắp, tạo líp bằng cách đào rãnh cách 4 hàng bí 1m đồng thời trãi đều thân bắp trên ruộng làm đệm cho bí bò.
III. Gieo hạt
Tốt nhất là gieo bầu để tận dụng thời gian, đồng thời gieo bầu cũng làm giảm lượng thất thoát cây con, phòng ngừa tốt sâu bệnh giai đoạn này. Tận dụng được ánh sáng để cây mọc khoẻ (cây gieo trực tiếp không bị còi cọc giai đoạn đầu). Cây có 2 lá nhám đem trồng.
Nếu gieo trực tiếp cần xử lý hố trồng bằng thuốc hạt để tránh côn trùng cắn phá.
- Chăm sóc
- Phân bón và kỹ thuật bón phân
- Phân hữu cơ
Cần thiết phải sử dụng phân hữu cơ, có thể sử dụng một số loại phân hữu cơ đóng bao có sẵn, bón vào hốc trước khi trồng.Trộn đều với lớp đất đào hốc và lấp hố. Tránh bón trực tiếp. Liều lượng từ:1.000-1.500kg/ha
1. Vôi
Trồng bí đỏ phải bón vôi, liều lượng từ 800-1000kg/ha. Có thể bón khi đầu vụ mưa thời vụ trồng bắp.Vôi bón theo hốc phải cách ít nhất 15 ngày trước gieo hạt
2. Phân đạm
Cần để sinh trưởng thân lá và thúc quả lớn nhanh, các loại phân có thể dùng: Urê, SA, Ure sữa (Ca(NO3)2), KNO3...
Liều lượng từ 60-80N (tương đương 150-200kg Urê/ha)
3. Phân lân
Giúp cho quá trình phát triển bộ rễ và hình thành hoa trên cây. Phân lân có thể bón sớm bằng các dạng phân nung chảy như: lân Ninh Bình, lân Văn Điển. Ở vùng đất đỏ cần bổ sung lân hữu cơ vi sinh, liều lượng 60-80kg P2O5 (tương đương 500-700kg lân Ninh Bình).
4. Phân kali
Đối với bí đỏ, kali phải được bón sớm giúp cho cây chắc khoẻ, kháng được sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng bí, liều lượng 120-150 K2O (tương đương 300 KCl)
Ngoài ra cần bổ sung vi lượng, đặc biệt là Mg cho bí.
Tuỳ theo tình hình có thể thay đổi chủng loại và liều lượng, tuy nhiên cần đảm bảo tỉ lệ nguyên chất N:P:K theo công thức 1:1:2 cho toàn vụ.
5. Thời điểm bón phân
Thời điểm | Loại phân | Số lượng |
- Bón lót trước khi trồng - 7 ngày sau khi trồng * - 20 ngày sau trồng(sau khi bấm ngọn) - 40 ngày sau trồng(lúc ra hoa) - 60 ngày sau trồng(Trái non 0,5kg) (thúc trái) | Hữu cơ + vôi + P N, K N, K
N, K
N, K | Toàn bộ 1/8N , 1/8K 2/8N, 2/8K
2/8N, 2/8K
3/8N, 3/8K
|
* Vào giai đoạn 7 ngày cây mới ra lá nhám, có thể dùng DAP ngâm 1 ngày đêm, rồi tưới gốc theo tỉ lệ 1% tưới đều quanh gốc.
6. Tạo hình
Khi bí dài 1m (20-25 ngày sau trồng) tiến hành lấp một đoạn bí đồng thời bấm ngọn bí. Bí có khả năng đâm nhánh mạnh, tuy nhiên chỉ chừa 2-3 dây (nên để 2 chèo (nhánh), chỉ có những nơi bị hao hụt cây, do côn trùng cắn phá, sâu bệnh... thì chừa 3 chèo ở 2 gốc chung quanh để bù đắp phần thiếu hụt), tỉa bỏ hết những nhánh còn lại làm rau ăn để cây có điều kiện tập trung dinh dưỡng để nuôi trái. Tỉa bỏ các lá chân vàng úa, để ong bướm dễ di chuyển làm tăng tỷ lệ đậu trái trên vườn.
7. Để trái
Hoa đực ở bí đỏ rất nhiều lớn hơn gấp 20 lần hoa cái, tuy nhiên để trái ra tập trung và nhiều hoa cái cần có thể sử dụng một số loại phân bón để làm tăng tỷ lệ hoa cái trên cây nhất là đối với giống bí hạt đậu. Có thể dùng Agrispon + Sincocin theo hướng dẫn trong phần bón phân. Hoa nở vào buổi sáng sớm và hạt phấn chỉ thụ tinh trong vài giờ. Do đó tuyệt đối không nên phun thuốc trừ sâu, nhất là các thuốc trừ sâu có đặc tính xông hơi mạnh vào giai đoan bí trổ hoa.
Hiện nay, đối với giống bí tròn hoa đực thường trổ muộn, nên có thể trồng xen kẽ với những giống bí có hoa đực nở sớm như giống bí dài, tỷ lệ 1/10. Để rút ngắn hơn nữa thời vụ của giống bí tròn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo trồng các cây vụ đông xuân.
Đối với bí tròn và bí dài: 1 nhánh để 1 - 2 trái
Đối với giống bí hạt đậu: 1 nhánh để 2 - 4 trái
Sau khi để trái xong tiến hành bấm ngọn ở mắt thứ 3 tính từ trái cuối cùng trên dây.
8. Thu hoạch:
Nếu ăn ngay hoặc tiêu thụ nhanh tại điạ phương có thể thu trái non (khoảng 30 ngày sau khi đậu trái), trái thu non hái được nhiều trái và dây lâu tàn. Nếu để dự trữ lâu nên thu khi trái thật già vỏ cứng có màu vàng, có lớp sừng, có phấn, cuống vàng và cứng (khoảng 3 - 4 tháng sau khi trồng) tùy theo giống, dùng dao cắt cả cuống đem về bôi vôi vào mặt cắt giữ nơi thoáng mát. Năng suất 20 - 30 tấn/ha.
9. Để giống:
Cần chọn trái đều đặn, nằm trên dây chính, thật già, vỏ cứng chắc, thu hoạch khi dây đã tàn, cất giữ trong nhà ít nhất 1 tháng mới bổ ra lấy hạt. Hạt được rửa sạch, phơi khô để vào chai kín cất giữ
10. Phòng trừ sâu bệnh
10.1 Sâu
- Bọ dưa (Aulacophora similis)
Đây là loài côn trùng đa ký chủ, gây hại rất nhiều loại cây trồng nhưng chủ yếu trên các cây thuộc họ Cucurbitacea, như dưa hấu, dưa leo, bầu, bí đao, bí đỏ. Đôi khi bọ dưa cũng ăn trên bắp, lúa miến và cả bông phấn lúa.
Đặc điểm hình thái - sinh học
Thành trùng có chiều dài thân từ 6 - 8 mm, cánh màu vàng nâu, mắt đen, râu dài rất linh động. Đời sống của thành trùng rất dài, khoảng 100 - 200 ngày. Một thành trùng cái đẻ khoảng 200 trứng.
Trứng rất nhỏ, dài khoảng 0,8 mm và rộng 0,3 mm, màu vàng xanh khi mới đẻ và màu vàng nâu khi sắp nở. Thời gian ủ trứng từ 8 - 15 ngày.
Ấu trùng mới nở màu trắng sữa, sau thành màu vàng nâu, đầu màu nâu, điểm đặc biệt là có 1 đôi chân giả. Ấu trùng có 3 tuổi với thời gian phát triển từ 18 đến 35 ngày.
Nhộng màu nâu nhạt, thời gian nhộng từ 5 - 14 ngày. Nhộng được hình thành trong đất, bên ngoài bao phủ bằng một kén tơ rất dày. Nhộng phát triển trong thời gian từ 4 - 14 ngày.
Vòng đời bọ dưa từ 80 - 130 ngày.
Triệu chứng gây hại
Thành trùng hoạt động mạnh vào ban ngày, nhất là khi có nắng lên. Thành trùng cái đẻ trứng thành từng nhóm từ 2 - 5 cái lúc sáng sớm hay chiều tối và đẻ trong đất, gần gốc cây hay trong rơm rạ.
Thành trùng cạp lớp biểu bì và phần mô diệp lục mặt trên lá thành một đường vòng, sau đó, phần bị cạp ăn sẽ đứt lìa khỏi lá. Thành trùng thường tấn công cây con khi có hai lá đơn đầu tiên, nếu mật số cao có thể ăn rụi hết lá lẫn đọt non. Cây trồng trong mùa nắng bị thiệt hại nhiều hơn trong mùa mưa.
Ấu trùng sau khi nở ăn rễ cây và đục vào gốc làm cây bị vàng héo, chậm phát triển hoặc chết đột ngột. Các vết cắn phá của ấu trùng trên rễ, gốc cây còn là nơi xâm nhập của vi khuẩn hay nấm làm cây bí chết.
Biện pháp phòng chống
Sau khi thu hoạch, gom dây bí lại để thu hút thành trùng tới, sau đó dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt.
Bảo vệ cây con tích cực lúc ban đầu.
Khi thấy có thành trùng bay trong ruộng bí mà mật số còn ít, sáng sớm hay chiều tối nên soi đèn bắt.
Sử dụng thuốc hóa học để trừ thành trùng. Sau đó từ 5 - 7 ngày áp dụng lại nếu mật số còn cao, nhất là khi cây còn nhỏ. Áp dụng thuốc gốc Emamectin benzoate. Thiamethoxam, Metarhizium anisopliae.
- Rầy mềm (rệp) (Aphis gossypii Glover)
Đặc điểm hình thái - sinh học
Thành trùng có hai dạng:
Dạng không cánh: cơ thể dài từ 1,5 - 1,9 mm và rộng từ 0,6 - 0,8 mm. Toàn thân màu xanh đen, xanh thẩm và có phủ sáp; một ít cá thể có dạng màu vàng xanh.
Dạng có cánh: cơ thể dài từ 1,2 - 1,8 mm, rộng từ 0,4 - 0,7 mm. Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to. Ống bụng đen.
Triệu chứng gây hại
Ấu trùng và thành trùng tập trung mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, chồi hút nhựa làm cho các phần này bị khô héo hoặc để lại những vết thâm đen trên lá.
Trên cây bí, rầy gây hại trầm trọng nếu tấn công các dây chèo hay đỉnh sinh trưởng. Rầy mềm thường tập trung với số lượng lớn ở đọt non làm lá bị quăn queo và phân tiết ra thu hút nhiều nấm đen bao quanh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trái.
Đối với bầu bí trong giai đoạn có hoa nếu bị loài này tấn công với mật số cao thì hoa dễ bị rụng, nhất là vào thời kỳ cho trái non, gây hiện tượng rụng trái hay trái bị méo mó.
Ngoài ra, rầy còn là tác nhân truyền bệnh virus cho cây. Sau cùng làm cây bị mất sức, lùn và chết.
Biện pháp phòng trị
Nhặt và chôn vùi các phần có rầy gây hại.
Không nên bón nhiều phân đạm.
Rầy mềm nhân mật số rất nhanh nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời và phòng trị đúng lúc thì cũng tương đối dễ diệt. Có thể sử dụng các loại thuốc gốc Azadirachtin, Etofenprox, Metarhizium anisopliae.
Vì rầy mềm truyền bệnh virus nên thuốc trừ sâu chỉ có thể diệt được rầy mà không hạn chế được bệnh, nhưng nếu áp dụng thuốc sớm, diệt được số lớn rầy ở giai đoạn đầu thì khả năng truyền virus của rầy không nhiều.
Sử dụng thuốc trừ sâu nên để ý đến quần thể thiên địch của rầy mềm.
- Bọ trĩ (Thrips palmi Karny)
Loài bọ trĩ này có diện phân bố rất rộng và có thể tấn công trên nhiều loại cây trồng.
Đặc điểm hình thái và sinh học
Bọ trĩ có cơ thể rất nhỏ, khoảng 1 mm, màu nâu nhạt. Miệng phát triển cho việc chích hút. Chân của bọ trĩ rất đặc biệt là đốt bàn không có móng mà tận cùng bằng một mảnh nhỏ.
Trứng bọ trĩ hình trái thận, nở trong thời gian từ 3 - 10 ngày.
Ấu trùng rất giống thành trùng nhưng màu nhạt hơn, phát triển trong từ 4 - 7 ngày.
Thành trùng từ 8 - 18 ngày, vòng đời khoảng 25 ngày.
Tập quán sinh sống và gây hại
Bọ trĩ thường đẻ trứng trong mô lá. Cả ấu trùng và thành trùng bọ trĩ thường sống ở mặt dưới lá và hay chui vào gần gân để trốn, do đó rất khó nhìn thấy, và thuốc trừ sâu cũng rất khó tiếp xúc được với chúng. Bọ trĩ thường chích cho nhựa cây chảy ra để hút ăn, đôi khi còn cạp cả mô lá hoặc cây. Lá cây bị bọ trĩ gây hại sẽ có dạng quăn queo, lá non biến dạng và bị cong xuống phía dưới.
Biện pháp phòng trị
Đốt các tàn dư thực vật.
Áp dụng màn phủ nông nghiệp.
Bón phân cân đối NPK.
Cần thiết phải tưới nước khi cây bị hạn nhẹ trên 5 ngày.
Dùng bẫy màu vàng đặt vào rẫy từ khi cây con đến lúc trổ hoa để xác định mật số và quyết định khi nào áp dụng thuốc.
Bọ trĩ rất khó trị vì nơi ẩn náu cũng như khả năng quen thuốc rất nhanh. Có thể lợi dụng thiên địch để khống chế mật số bọ trĩ. Nếu sử dụng thuốc hoá học để trị và nên thay đổi thuốc thường xuyên để tránh bọ trĩ quen thuốc. Dùng thuốc gốc Abamectin hoặc Thiamethoxam kết hợp với dầu khoáng.
10.2 Bệnh
Bí đỏ rất ít sâu bệnh, tuy nhiên nếu canh tác không hợp lý, để vườn úng nước, bí đỏ cũng phát sinh một số bệnh như sau: Bệnh chạy dây (chết dây, héo rũ), bệnh phấn vàng (đốm vàng, sương mai), bệnh thán thư, thối quả non...
- Bệnh sương mai (đốm phấn vàng)
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Ở mặt trên lá, đốm bệnh lúc đầu nhỏ, có màu xanh nhạt, sau đó biến dần sang màu vàng rồi màu nâu nhạt và thường bị giới hạn giữa các gân phụ của lá, nên đốm bệnh có dạng hình góc cạnh.
Trong điều kiện ẩm ướt, nấm tạo ra lớp phấn màu xám đậm hoặc tím đỏ ở mặt dưới lá nơi có vết bệnh. Lớp phấn này là khối đính bào tử của nấm. Lá bị vàng khi có nhiều đốm, các đốm này sẽ liên kết lại tạo thành những vùng cháy màu nâu nhạt và mô bệnh dễ bị vỡ (rách). Cây nhiễm nặng cho trái kém và giá trị có thể chết.
Trái ít bị tấn công, nhưng trái sẽ nhỏ và có vị nhạt.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Pseudoperonospora cubensis (Berkeley và Curtis) Rostowzew.
Nấm lây lan chủ yếu do bào tử nấm lây truyền từ vụ này sang vụ khác, từ ruộng này sang ruộng khác. Bệnh xãy ra nghiêm trọng và lây lan nhanh khi trời có nhiều sương.
Ngoài bí đỏ, nấm cũng tấn công trên bí hấu, khổ qua, dưa leo, bầu, bí xanh .... Ẩm độ là yếu tố quyết định sự phát triển của bệnh này.
Biện pháp phòng trị
Tuyển chọn những giống ít nhiễm để trồng.
Tiêu hủy xác lá cây bệnh, nhất là sau mỗi mùa vụ.
Làm liếp cao, thóat nước nhanh khi có mưa.
Tránh để các lá gốc tiếp xúc đất.
Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp nấm Trichoderma ngay từ đầu vụ để hạn chế nấm bệnh.
Phun sớm khi bệnh chớm phát triển bằng các loại thuốc gốc đồng, Cymoxanil + Mancozeb, Cucuminoid 5% + Gingerol, Metalaxyl + Mancozeb.
- Bệnh héo xanh vi khuẩn
Triệu chứng ban đầu của bệnh vi khuẩn này rất khó phân biệt với bệnh đốm phấn hay bệnh ghẻ.
Vết bệnh này khác với bệnh sương mai hay bệnh ghẻ ở chỗ không thấy tơ nấm phát triển trong vết bệnh như lớp nhung mịn.
Cây cũng có triệu chứng héo mất nước giống như bệnh héo dây do nấm Fusarium, nhưng cây chết nhanh trong vòng 1 - 2 ngày, trong khi bộ lá vẫn còn tươi, nên bệnh được gọi là bệnh “héo xanh”.
Trên lá các đốm bệnh nhỏ, vàng, bị giới hạn trong các gân lá nên tạo đốm có dạng hình có góc cạnh. Sau đó, ở mặt dưới lá có tiết những giọt dịch màu nâu. Đốm bệnh sẽ chuyển sang màu nâu đỏ, khô và rách đi làm cho lá có những mãng rách.
Trên trái, bệnh gây thối vỏ ăn sâu dần vào trong thịt trái.
Tác nhân gây bệnh
Do vi khuẩn Pseudomonas lacrymans (E. F. Sm. và Bryan) Carsner.
Vi khuẩn lưu tồn trong tàn dư thực vật. Lây lan do mưa, do người thu hoạch. Vi khuẩn xâm nhập qua khí khổng. Vi khuẩn cũng lưu tồn trong hạt giống, từ đó gây bệnh cho cây con. Bệnh phát triển mạnh trong những tháng mưa.
Biện pháp phòng trị
Bệnh này rất khó phòng trị bằng thuốc hóa học, cần áp dụng biện pháp tổng hợp như:
Tiêu hủy xác bả thực vật sau mỗi mùa vụ.
Luân canh hay hưu canh để tránh lây lan bệnh từ vụ trước sang vụ sau. Nếu có điều kiện, nên phơi đất và lên luống cao. Xử ký đất bằng vôi bột.
Phun ngừa bằng các loại thuốc gốc Copper Oxychloride + Kasugamycin, Kasugamycin, Copper Hydroxide nhằm hạn chế tốc độ lây lan của bệnh.
- Bệnh thán thư
Bệnh này thường xãy ra và đôi khi gây hại nặng. Bệnh có thể tấn công tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây. Triệu chứng đốm bệnh này trông rất giống đốm bệnh ”đốm lá - chảy nhựa thân”. Điểm phân biệt là trên đốm bệnh thán thư có sự xuất hiện của các thể nhỏ li ti màu đen, đó là các đĩa đài (cơ quan sinh sản vô tính hình đĩa) của nấm gây bệnh.
Bệnh thường xuất hiện ở các lá già bên dưới trước. Đốm bệnh là những đốm tròn không đều đặn, màu nâu hay nâu đen, kích thước khoảng 3 - 10 mm, Đôi khi có những vòng khoen. Lá bệnh nặng có rất nhiều đốm và lá bị nhăn. Nếu trời ẩm sẽ thấy lớp bào tử hồng nơi vết bệnh. Bệnh lây lan nhanh làm lá cháy khô rồi rụng đi, để trơ lại thân cây. Thân cũng bị cháy khô và teo tóp lại.
Ở giai đoạn cây con, hai lá mầm sẽ bị tấn công.Ở cây lớn hơn, lá già cũng bị tấn công trước.
Trên thân: lúc đầu có những đốm nhỏ màu nâu sậm, sau đó, đốm rộng hơn và có màu xám. Thân khô rồi chết.
Trên trái: lúc đầu có những đốm tròn màu trắng vàng, sau đó chuyển sang màu nâu.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Colletotrichum lagenarium (Passerini) Ellis và Halsted.
Mầm bệnh có thể lưu tồn trong xác bả thực vật hay bám trên bề mặt hạt giống. Bệnh thường xãy ra vào những tháng có mưa nhiều. Bào tử lây lan chủ yếu do mưa.
Biện pháp phòng trị
Tiêu hủy tàn dư thực vật sau mỗi mùa vụ.
Khử khô hạt.
Tỉa bỏ lá già, lá bệnh trước khi phun thuốc
Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện bằng các loại thuốc gốc Mancozeb, Carbendazim, Difenoconazole.
Phần II: ĐỊNH MỨC KINH TẾ KỸ THUẬT
- Định mức vật tư:
TT | Nội dung | ĐVT | Số lượng | Ghi chú |
1 | Giống bí lai | Kg | 4,5 |
|
2 | Urea | Kg | 200 |
|
3 | Super lân | Kg | 700 |
|
4 | Kali (KCL) | Kg | 300 |
|
5 | Vôi | Kg | 1.000 |
|
6 | Màng phủ nông nghiệp | Cuộn | 15 |
|
7 | Phân hữu cơ hoai mục | Kg | 1.500 |
|
8 | Phân hữu cơ sinh học (thay thê phân hữu cơ) | Kg | 250 |
|
9 | Thuốc BVTV | Kg | 20 |
|
2. Định mức công lao động:
TT | Nội dung | ĐVT | Số lượng |
1 | Làm đất | Công | 10 |
2 | Lên luống | Công | 20 |
3 | Gieo hạt | Công | 8 |
4 | Chăm sóc | Công | 25 |
5 | Thu hoạch | Công | 25 |
Tư vấn kỹ thuật: 0986.961.117