Cần 'nhạc trưởng' điều phối nông sản

Dưa hấu ế, thanh long rớt giá vì dịch bệnh Covid-19 lại một lần nữa cho thấy quản lý nông sản Việt Nam vẫn chưa có thay đổi cơ bản so với cách đây hàng chục năm.

Dưa hấu được bày bán trên vỉa hè ở TP.HCM - Ảnh: TTO


Đầu tiên có thể thấy, nông dân trồng trọt vẫn theo kiểu tự phát theo các tín hiệu từ vụ trước và không rõ sản phẩm mình làm ra bán đi đâu vì đã có thương lái đến mua tận ruộng chở đi hoặc đơn giản là trồng bán cho Trung Quốc.

Không hợp đồng cũng có nghĩa là không rõ diện tích, sản lượng, không tiêu chuẩn và đầu ra hoàn toàn phụ thuộc thương lái.

Tiếp đến là việc thương lái và các doanh nghiệp vẫn bán hàng theo kiểu hàng chợ dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc hàng triệu tấn nông sản. Thương nhân gom hàng từ nông dân rồi đưa xe lên biên giới và gặp gỡ khách Trung Quốc để ngã giá bán. Nông sản tươi lại không có hợp đồng trước nên rủi ro người bán phải chịu. Có thay đổi gì về chính sách biên mậu là người bán gánh đủ.

Mua không tiêu chuẩn, bán không hợp đồng tất yếu dẫn tới phụ thuộc vào thị trường dễ tính. Khi xảy ra vấn đề về thông thương, hàng hóa không thể đưa đi các thị trường khác đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. Và những cuộc kêu gọi người dân trong nước "giải cứu" lại bắt đầu.

Cuối cùng, hiện trạng trên cho thấy vai trò quy hoạch và quản lý sản xuất của Nhà nước rất yếu. Việt Nam không có một chiến lược và quy hoạch rõ ràng để phát triển nông sản. Cá tra, cà phê, cao su, thanh long, cây có múi, hồ tiêu... đều nhanh chóng vượt quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Một loại nông sản được giá là khắp nơi từ miền Tây đến Tây Nguyên hay Tây Bắc đều đổ xô đi trồng. Kết quả là những đợt khủng hoảng thừa xảy ra sau thời gian phát triển nóng. Rõ nhất là hạt tiêu khi giá cao điểm lên đến hơn 200.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg.

Rất nhiều thử nghiệm đã được đưa ra từ các cơ quan quản lý như cánh đồng mẫu lớn, liên kết 3 nhà, liên kết 4 nhà, liên kết chuỗi giá trị... nhưng cơ bản chưa đem lại kết quả như mong muốn.

Quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam hiện đã vượt hàng chục đến hàng trăm lần so với hàng chục năm trước, việc thay đổi tư duy quản lý và sản xuất là điều bức thiết nếu như không muốn các cuộc khủng hoảng diễn ra với mức độ ngày càng nhiều hơn.

Thanh Long đang vào mùa thu hoạch - Ảnh: TTO

Nhiều chuyên gia nông nghiệp đề xuất cơ chế một nhạc trưởng trong điều phối sản xuất và xuất khẩu nông sản. Nhưng với sự đa dạng về mặt hàng cũng như nông dân tham gia còn rất lớn, nên cần tổ chức thành những trung tâm điều phối ngành hàng, trước mắt là các mặt hàng chính.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch AFT, vai trò điều phối không nên đưa cho Nhà nước như hiện nay vì không hiệu quả. Nhà nước có quá nhiều việc phải lo, thay vào đó hãy xã hội hóa việc điều phối ngành hàng cho các hiệp hội doanh nghiệp. Đó phải là các hiệp hội kiểu mới được trao nhiều quyền lực hơn trong định hướng sản xuất cũng như xuất khẩu. Người sản xuất phải làm theo hợp đồng, người xuất khẩu phải tham gia hiệp hội ngành nghề để tuân thủ luật chơi chung tránh bán phá giá.

Bài học về các hiệp hội ngành hàng của nước ngoài đã có như hiệp hội cá hồi Na Uy, kiwi New Zealand đem lại hiệu quả cho các thành viên tham gia và vị thế của quốc gia xuất khẩu. Việt Nam nên học hỏi và áp dụng.

Trần Mạnh (Báo Tuổi Trẻ)
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả