Lâm Đồng - Cơ hội nhìn lại thị trường tiêu thụ nông sản

(LĐ online) - Ngay những ngày đầu tiên của năm 2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (tên mới do WHO đặt là Covid-19) đã khiến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản trên cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Lâm Đồng, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn giữ ổn định. 
 
Nhiều mặt hàng nông sản Lâm Đồng đang tăng giá rất mạnh, nông dân tranh thủ cơ hội thúc đẩy sản xuất, mở rộng cung ứng thị trường
Nhiều mặt hàng nông sản Lâm Đồng đang tăng giá rất mạnh, nông dân tranh thủ cơ hội thúc đẩy sản xuất, mở rộng cung ứng thị trường
 
“Miễn nhiễm” với Covid-19
 
Là địa phương đi đầu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Vì vậy, sản lượng nông sản đòi hỏi thị trường tiêu thụ rộng lớn. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều người đặt câu hỏi, nông sản của Lâm Đồng liệu có bị ảnh hưởng loại dịch bệnh này?
 
Từ thực tế sản xuất cũng như đánh giá của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho thấy, nông sản Lâm Đồng dường như đang “miễn dịch” rất tốt, tình hình dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất nông sản trong tỉnh. Thậm chí, một số các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản trong tỉnh còn nhìn ra cả cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng cạnh tranh cho một số mặt hàng trong khó khăn.
 
Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 720 triệu USD với thị trường 40 nước trên thế giới. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng nông sản như rau đạt 42 triệu USD, chè đạt 31 triệu USD, hoa lá cắt cành đạt 16 triệu USD, cà phê nhân đạt 208 triệu USD.
 
Các nhóm mặt hàng nông sản nói trên có thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc là rất nhỏ bé, chiếm kim ngạch xuất khẩu không đáng kể, chủ yếu xuất đi các nước Đông Bắc Á, Châu Âu. Mặt hàng hoa, tại Lâm Đồng công ty Hasfarm là lớn nhất, tuy nhiên họ cũng có một chi nhánh sản xuất tại Thượng Hải. Vì vậy, tình hình dịch bệnh không ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của địa phương. 
 
Riêng mặt hàng sầu riêng tại các huyện phía Nam vốn xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng hiện tại sầu riêng chưa đến mùa nên chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát để đánh giá được mức độ ảnh hưởng cụ thể của dịch bệnh Covid-19 gây ra.
 
Cơ hội nhìn nhận lại thị trường
 
Theo ông Hiệp, trong những thời điểm được dự báo là khó khăn với hoạt động xuất khẩu nông sản như hiện nay thì cũng chính là thời điểm các doanh nghiệp, người dân và cả ngành chức năng đánh giá lại thị trường cũng như thay đổi thói quen, tư duy sản xuất, xuất khẩu. 
 
Đó là cơ hội tranh thủ thúc đẩy sản xuất, mở rộng và khai thác các thị trường có tiềm năng vốn trước đây còn bỏ ngỏ. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính tại Lâm Đồng buộc phải có sự điều chỉnh, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 
 
Những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên bà con nông dân tỉnh Lâm Đồng rầm rộ chuyển sang đầu tư loại cây này. Tuy nhiên, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng. Hiện nay, việc xuất khẩu trái sầu riêng qua Trung Quốc chưa được thực hiện bằng đường chính ngạch nên hầu hết các thương lái và thậm chí cả doanh nghiệp thường xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch. 
 
Nhưng bắt đầu từ năm 2019, Trung Quốc đã thắt chặt việc nhập khẩu sầu riêng qua đường tiểu ngạch nên nhiều container sầu riêng của các doanh nghiệp Việt Nam bị ứ đọng tại cửa khẩu Lào Cai. Do đó, đây cũng là “phép thử” cho nông sản Lâm Đồng, đến lúc thúc đẩy phải đi đường chính ngạch. 
 
Ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản tại đang được thu mua với giá cao. Nhóm mặt hàng rau, trước tết giảm giá mạnh thì nay rau xà lách xoăn đạt 20.000 đồng/ kg thương lái thu mua tại vườn. Đậu leo từ 9.000 đồng/ kg cũng đã tăng lên 20.000 đồng/ kg tại vườn. Bên cạnh đó, sú tim, cải thảo cũng tăng từ 1.000 đồng/ kg lên 7.000 đồng/ kg.
 
Bên cạnh đó, các mặt hàng hành tây, tỏi, gừng, khoai tây cũng tăng giá rất mạnh lên gần gấp đôi. Theo các chủ vựa thu mua nông sản tại huyện Đơn Dương, năm nay, do dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, người dân Trung Quốc có tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm để sử dụng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, việc hạn chế thông quan qua các cửa khẩu để phòng chống dịch bệnh đã khiến hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có nông sản khó đưa vào thị trường Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến giá nông sản của Đà Lạt tăng mạnh sau tết.
 
THANH SA
(Báo Lâm Đồng) 
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả