Lâm Đồng: ‘Mô hình 2 trong 1’ tại xã Gia Bắc
Công nghệ tưới tự động bằng bép phun mưa dưới tán cây tiết kiệm nước được thực hiện trên các vườn rẫy tại xã Gia Bắc, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) mang lại hiệu quả thiết thực.
Mặc dù là tháng cao điểm của mùa khô hạn, nhưng vườn cà phê của ông Hà Rung Dũng vẫn xanh tốt
Mô hình điểm ứng dụng công nghệ tưới tự động bằng bép phun mưa dưới tán cây, tiết kiệm nước trong sản xuất cà phê tại xã Gia Bắc được Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh triển khai thực hiện. Đến nay mô hình này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực như: giúp người dân tham quan học tập, áp dụng quy trình khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm thiểu công lao động, tiết kiệm nước tưới cho cây...
Để thực hiện mô hình điểm ứng dụng công nghệ tưới phun mưa dưới tán cây cà phê, hộ ông Hà Rung Dũng ở thôn Đạ Hiòng đã đầu tư trên 100 triệu đồng.
Mô hình được thực hiện trên diện tích cà phê tái canh 0,5 ha, trong đó 550 cây cà phê dòng TR4 và trồng xen 50 cây bơ ghép dòng 034, đồng thời đầu tư 34,5 triệu đồng để lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới phun mưa dưới tán cây và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50%.
Ông Hà Rung Dũng bộc bạch, trước đây, khi tưới bằng hình thức thông thường là dùng vòi tưới trực tiếp vào gốc cà phê vừa tốn công lại rất hao nước. Còn từ khi chuyển qua áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun mưa vừa tiết kiệm nước tưới, vừa giảm nhân công lao động, chỉ cần mở vòi nước là nguồn nước tự động tưới phun vào gốc, tránh bị lãng phí nước. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống tưới này, người nông dân còn có thể tưới bón phân vừa tiết kiệm mà cây trồng lại hấp thu hết lượng phân bón, giúp tiết kiệm công lao động. “Địa phương rất khó khăn về nguồn nước. Vì vậy, cây cà phê cần nhiều nước tưới để ra hoa, bón phân cũng phải tưới. Tôi trồng cà phê lâu năm, kinh nghiệm cho thấy, lượng nước tưới để cây cà phê có thể bung hoa, đậu trái đều là 300 lít/gốc, bón phân xong cũng phải tưới nước để hòa tan phân bón. Nhưng từ khi lắp đặt hệ thống này tôi không cần phải lo nghĩ về chuyện nước tưới có đủ nước không hay việc phân bón bay hơi gây thất thoát, lãng phí. Cà phê gần 2 năm tuổi nhưng tất cả đều đậu trái tốt”, ông Hà Rung Dũng phấn khởi.
Đây là những tháng cao điểm của mùa khô hạn, vườn cà phê và các loại cây trồng khác của nhiều người dân trong vùng có dấu hiệu khô lá, khô cành, cây sinh trưởng và phát triển kém, nhưng vườn cà phê của gia đình ông Hà Rung Dũng vẫn xanh và phát triển tốt. Ông K’Vin ở thôn Đạ Hiòng chia sẻ: Vườn cà phê của ông Hà Rung Dũng phát triển rất tốt, một số hộ dân cũng đã đến tìm hiểu, học hỏi; có hộ đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cà phê kém hiệu quả để tái canh, nhưng cái khó khăn lớn nhất của địa phương trong sản xuất vẫn là nguồn nước.
Ông Vũ Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, cho biết: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun mưa dưới tán cây cà phê giúp bà con nông dân thấy được lợi ích của phương pháp tưới tiết kiệm nước, không chỉ chủ động nước cho cây trồng mà còn chủ động thời điểm bón phân cho cây, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nhưng vẫn làm tăng hiệu lực sử dụng phân bón, giảm thiểu thất thoát lượng phân cung cấp chất dinh dưỡng theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây. Đồng thời giảm sự suy thoái và ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy hệ thống tưới nước tiết kiệm và bón phân theo nước cho cây cà phê..., tiết kiệm hơn so với phương pháp tưới nước truyền thống, tiết kiệm công lao động và điều quan trọng là chủ động ứng phó trước biến đổi khí hậu, đây đang là hình thức tưới tiên tiến phù hợp với địa hình, thời tiết và điều kiện sản xuất không chỉ ở Gia Bắc mà cả vùng đất Di Linh.
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng