Nông dân miền Trung được mùa rau củ quả

Vụ đông xuân 2019-2020 dù đối mặt với dịch Covid-19 nhưng thời tiết thuận lợi nên nhiều loại rau củ quả của nông dân miền Trung đều cho năng suất vượt dự toán. Một số loại nông sản tiêu thụ trong nước vẫn giữ giá ổn định nên nông dân nhiều nơi thắng lớn.

Vụ hành hương bạc tỷ của nông dân ở vùng cát Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Ngọc Oai


Bội thu

Những ngày cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-2020, tại vựa dâu tằm xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), nông dân đang khẩn trương thu hoạch vụ mới. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên dâu tằm cho năng suất rất cao.

Ông Trần Văn Quốc (thôn Tân Phú, xã Cam Thành) phấn khởi: “Thời tiết vụ này rất thuận lợi, ít mưa lũ nên vườn dâu tằm trên 2ha của tôi rất sai quả, những quả dâu chín đều, căng mọng rất đạt. Sản lượng thu hoạch vụ năm nay ước đạt 5 - 6 tấn quả, bán với giá 35.000 - 45.000 đồng/kg, thu về ước đạt 240 - 300 triệu đồng”.

Theo ông Quốc, cánh đồng thôn Tân Phú trước kia chỉ trồng các nông sản bản địa thường xuyên chịu rủi ro về thời tiết, sâu bọ mà giá cả lại bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng dâu tằm thì cây hợp đất và cho hiệu quả cao. Mấy năm nay, dâu tằm bán rất đắt khách, chủ yếu là thị trường trong tỉnh và tại Quảng Bình, Đà Nẵng. Ngoài bán quả dâu tươi, người dân nơi đây còn chủ động sản xuất các sản phẩm từ dâu như rượu dâu, sirô dâu để tăng giá trị nông sản của mình. Sắp tới, làng dâu Tân Phú sẽ xuất ra thị trường hơn 2.000 chai rượu, sirô từ dâu…

Lần ra những vùng sản xuất rau củ quả ở các xã Thiên Lộc, Thuần Thiện, Vượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), bà con nơi đây cũng đang trong giai đoạn thu hoạch hành tăm (hay củ nén, củ thun). Hành tăm là loại nông sản thơm ngon, lại có tác dụng như một loại thảo dược chữa bệnh. Năm nay, hành tăm được mùa nên khí thế thu hoạch của nông dân huyện Can Lộc cũng sôi nổi hẳn. Hộ ông Tôn Văn Trường, đang trồng 5 sào hành tăm tại cánh đồng thôn Làng Ngùi (xã Vượng Lộc), vụ này đạt năng suất 5 tạ/1 sào. Giá hành tăm hiện khá cao, 35.000 đồng/kg, vụ này ông Trường ước thu khoảng 90 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, cho biết: “Toàn xã có 350 hộ dân đang trồng cà dừa, với tổng diện tích khoảng 20ha. Vụ này cà dừa cũng được mùa và giá cao, dao động 12.000 - 20.000 đồng/kg nên bà con thắng lớn. Trồng cà dừa có đầu ra ổn định và cho thu nhập cao gấp 4 lần so với trồng lúa, mỗi hécta cà dừa thu khoảng 110 - 130 triệu đồng. Với 20ha cà dừa, vụ đầu năm Thượng Lộc thu về trên 2 tỷ đồng…”.

Ngược vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, khắp nơi nông dân đều phấn khởi khoe rằng, rau củ quả được mùa, trúng lớn. Trong thập kỷ qua, chưa năm nào người nông dân trồng hoa màu tại Bàu Tròn (Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) phấn khởi vì bắp được cả mùa lẫn giá như năm nay.

Bà Trần Thị Hon, đang thu hoạch ruộng bắp nếp ở đồng Bàu Tròn, chia sẻ: “Chưa có năm nào vui như năm nay, giá bắp cũng được thương lái mua cao hơn mọi năm. Chúng tôi bán 45.000 - 50.000 đồng/chục tùy theo bắp to hay nhỏ, thương lái đổ xô đến mua ngay tại ruộng. Vụ này nhà tôi có 4 sào cũng thu được trên 20 triệu đồng”.

Tương tự, nông dân tại xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) cũng đang ăn mừng vì đậu phụng năm nay cho năng suất “khủng”, thu về hàng tỷ đồng. Còn tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), vụ hành hương cũng cho năng suất ngoài sức tưởng tượng của bà con.

Ông Nông Tấn Hiệp (51 tuổi, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải) phấn khởi: “Hành hương năm nay cho củ rất to, năng suất gấp 5 - 6 lần vụ trước. Gia đình tôi vụ này trồng 5 sào hành hương, công chăm sóc gần 2 tháng, cho năng suất 4 tấn hành bán với giá khoảng 80 triệu đồng, bán ra trong tỉnh và khu vực phía Nam, cả TPHCM”.

Nông dân vùng hạ lưu sông Côn (tỉnh Bình Định) phấn khởi trước vụ bắp tươi tốt, đạt năng suất cao. Ảnh: Ngọc Oai

Những cách làm hiệu quả

Mỗi năm, ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam cung ứng cho thị trường hơn 270.000 tấn rau củ quả. Dù vậy, một số nông sản của tỉnh này vẫn không thoát nổi cảnh “giải cứu” khi có trục trặc từ thị trường Trung Quốc. Trước thực tế trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tìm lối thoát cho nông sản. Qua đó, địa phương xác định ngoài thị trường tiềm năng là Trung Quốc, sẽ mở rộng thêm thị trường trong nước và châu Âu, Mỹ…

Từ năm 2018 đến nay, Quảng Nam đang triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bước đầu đã tạo ra được các mô hình kinh tế tạo động lực cho nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất có quy hoạch, bền vững. Hiện đã có 107 sản phẩm tại Quảng Nam đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, hơn 80% được công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. Trong 2 năm triển khai, địa phương đã hỗ trợ hơn 25,3 tỷ đồng cho các chủ thể tham gia OCOP nhằm quảng bá, mở rộng thị trường cho nông sản. Hiện, dưa hấu và chuối Quảng Nam đã được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT và cơ quan xuất nhập khẩu Trung Quốc cấp mã vùng và thống nhất ngôn ngữ chung bằng tiếng Anh.

Hôm nay, trở lại những doi đất cát ở vùng hạ du đôi bờ sông Côn (tỉnh Bình Định) thấy biền biệt những cánh đồng bắp nối dài ngút mắt… Do kết nối được với các trang trại chăn nuôi bò sữa nên người dân được cấp giống, bao tiêu phân bón, doanh nghiệp cam kết tiêu thụ giá ổn định cho người dân.

Ông Lý Văn Định (58 tuổi), đang trồng 8 sào tại xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn), chia sẻ: “Bắp là loại cây đa năng của nông dân, có thể bán lấy trái làm thực phẩm cho người, lấy thân làm thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, 8 sào đất thu về 4 tấn bắp, bán giá bắp trái tại ruộng 6.000 - 8.000 đồng/kg. Một vụ thu về gần 30 triệu đồng riêng tiền bán bắp trái. Mỗi năm làm 2 vụ kết hợp với chăn nuôi thì thu nhập rất ổn định…”.

Ông Đào Văn Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Bình Định vừa ký kết thêm với một số trang trại chăn nuôi bò sữa để cung ứng trên 6.000 tấn bắp sinh khối/1 vụ. Qua đó, địa phương chuyển đổi được 350ha cây trồng qua sản xuất bắp sinh khối bền vững. Ngoài ra, địa phương cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa thiếu nước, nhiễm mặn qua cây trồng cạn như: mè, cây đậu, hành, dâu tằm và các nông sản đặc trưng đang có thị trường nội địa ổn định…”.

Hướng đến liên kết sản xuất nông nghiệp 

Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, trong 100% dưa hấu nông dân trồng chỉ có 10% trồng theo chuỗi nông sản chất lượng cao đường chính ngạch, còn 90% sản xuất đại trà, chủ yếu xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Trong khi đó, các loại nông sản tươi sống tại Việt Nam hiện chưa có kho chứa và không có dây chuyền bảo quản và vận chuyển nên khi hàng bán không kịp, quá tải đành chịu hư hỏng nên mãi quẩn quanh theo câu chuyện “giải cứu”.

TS nông nghiệp Nguyễn Thị Tố Trân (tỉnh Bình Định) cho rằng: Bộ NN-PTNT đưa ra chủ trương lớn là sản xuất nông nghiệp hướng đến các liên kết, ưu tiên hỗ trợ cho các chuỗi sản xuất. Trước tình hình dịch Covid-19, các ngành chức năng nên hướng dẫn người dân chủ động sản xuất có quy hoạch, tập trung các nông sản tiêu thụ nội địa hoặc nông sản đặc trưng.Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần định hướng phát triển dây chuyền sản xuất, vận chuyển, bảo quản nông sản tươi sống. Ngoài ra cần tăng cường kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản theo hướng chính ngạch…

Nhóm PV Báo SGGP
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả