Vườn phúc bồn tử hữu cơ thu tiền tỷ

Từ 2,5 ha trồng phúc bồn tử theo mô hình hữu cơ, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Hà, ngụ tổ Đăng Gia Rít B (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) thu về hàng tỷ đồng.

 

Vườn phúc bồn tử hữu cơ tươi tốt, không hề có dấu hiệu của sâu bệnh.

 

Vườn cây cũng là điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của người dân lẫn chuyên gia trong và ngoài nước.

 

Phúc bồn tử hay còn gọi là dâu rừng, mâm xôi được gia đình ông Hà trồng trên diện tích 2,5 ha dưới chân núi Langbiang. Ở đây, những cây phúc bồn tử xanh tốt, cứng cáp và cho quả trĩu cành.

 

Để có được thành quả ấy, vợ chồng ông Hà đã phải trải qua quá trình dài học hỏi kinh nghiệm, tỉ mỉ chăm sóc cây. Ông chia sẻ, nhiều năm trước, biết phúc bồn tử là cây có giá trị kinh tế cao nên ông bàn với vợ mua giống về trồng để phát triển kinh tế. Nhưng ông lại nghĩ, nếu áp phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… vào sản xuất thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và môi trường. Vợ chồng ông sau đó tìm hiểu, học hỏi phương thức sản xuất mới và cuối cùng chọn làm theo nông nghiệp hữu cơ.

 

Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ kiểm tra độ chín của trái phúc bồn tử.

 

“Hồi đó, vì hiếm mô hình hữu cơ nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin, học hỏi. Đến năm 2017, sau khi nắm trong tay “bí quyết”, chúng tôi bắt đầu nhập giống về và trồng thử nghiệm. Chỉ một năm sau đó, vườn phúc bồn tử hữu cơ phát triển mạnh, cho trái trĩu cành, bán được với giá rất cao”, ông Hà thổ lộ.

 

 

Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ (vợ ông Hà) cho biết, vì sản xuất theo mô hình hữu cơ nên gia đình bà không sử dụng bất kỳ loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu nào. Không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc kích thích tăng trưởng. Đất vườn và nước tưới cho cây cũng phải đảm bảo không nhiễm hóa chất.

 

Được chăm sóc theo tiêu chí hữu cơ, cây trồng không có dịch bệnh và năng suất cao.

 

Bà chia sẻ: “Trong vườn, chúng tôi vẫn để cỏ mọc và sống chung với phúc bồn tử. Chỉ khi cỏ quá nhiều thì mới nhổ bỏ bớt. Về phần dinh dưỡng cho cây, gia đình sử dụng phân bón hữu cơ và làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động”.

 

 

Cũng theo chủ vườn, thời gian đầu, cây trồng phát triển chậm hơn so với các mô hình vô cơ. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, cây phát triển mạnh, cứng cáp và tự bản thân có sự kháng bệnh rất cao nên gia đình yên tâm.

 

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên vườn phúc bồn tử cho năng suất cao. Mỗi tháng vườn cây 2,5 ha của vợ chồng ông Hà cho thu hoạch khoảng 4 tấn trái. Với giá bán 200.000 đồng/kg phúc bồn tử đỏ, 900.000 đồng/kg phúc bồn tử đen, gia đình ông thu về hàng tỷ đồng.

 

Người làm công chăm sóc cây ở vườn phúc bồn tử.

 

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm phúc bồn tử gia đình ông Hà được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm. Đến tháng 9/2018, mô hình của gia đình được Công ty TNHH ORGA Việt Nam chứng nhận sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn. Sau đó, vườn của gia đình tiếp tục được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, mở ra cơ hội phát triển thị trường trong nước và quốc tế.

 

Theo ông Hà, hiện nay, ngoài việc liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, gia đình ông đang hợp tác với 2 tiến sĩ nước ngoài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm dược liệu từ phúc bồn tử.

 

Chùm phúc bồn tử đỏ chín mọng, chờ ngày thu hoạch.

 

Bên cạnh trồng phúc bồn tử, gia đình ông Nguyễn Hữu Hà cũng canh tác 2.000 m² rau ăn lá theo hướng hữu cơ và mỗi tháng cung ứng ra thị trường trên 1 tấn sản phẩm. Hiện, nông trại của gia đình ông đang tạo công ăn việc làm cho 20 người (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng.

 

Gia đình ông Hà cũng đang áp dụng các công nghệ hiện đại để chế biến rượu vang, mứt, trà… từ phúc bồn tử.

 

 

Dự kiến, 3 tháng nữa, 60 nghìn lít rượu vang sẽ được tung ra thị trường với giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng/lít.

 

Ông Nguyễn Văn Hà cho biết, ông đã thành lập Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F và liên kết với người dân địa phương để sản xuất phúc bồn tử hữu cơ, đáp ứng nguồn nguyên liệu để chế biến rượu vang và các sản phẩm khác.

 

“Tôi đang thực hiện việc nâng cao giá trị sản phẩm để nó trở thành sản phẩm đặc trưng vùng du lịch Langbiang”, ông Hà tâm sự.

 

Theo UBND huyện Lạc Dương, huyện đang làm hồ sơ để bình chọn sản phẩm rượu vang, mứt, trà từ phúc bồn tử của gia đình ông Nguyễn Văn Hà là sản phẩm tiêu biểu của địa phương.

 

Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ cho biết gia đình đã sản xuất thành công rượu vang và nước cốt chất lượng cao từ phúc bồn tử.

 

Ngoài 2,5 ha phúc bồn tử, gia đình ông Nguyễn Văn Hà cũng trồng 2 sào rau theo tiêu chuẩn hữu cơ.

 

Ông Nguyễn Hữu Hà cho biết, Lạc Dương và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là vùng lý tưởng để phát triển nông nghiệp hữu cơ vì có không khí trong lành, mát mẻ, thổ nhưỡng trù phú. Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không quá khó nên có thể áp dụng một cách rộng rãi.

 

Hơn nữa, người làm vườn cần nâng cao ý thức, chuyển dần từ nông nghiệp vô cơ sang hữu cơ để nâng cao chất lượng cho sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tương lai và cốt lõi là đảm bảo sức khỏe, môi trường.

 

Minh Hậu - Lê Khánh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả