HIỆN TƯỢNG RỤNG TRÁI TRÊN CÂY ĂN TRÁI & BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Có 2 trường hợp rụng trái non trên cây ăn trái là rụng sinh lý và rụng không do sinh lý. Cần phân biệt rõ từng trường hợp để có hướng xử lý phù hợp nhằm mang lại năng suất cao nhất và đảm bảo sức khoẻ của cây.

 

Rụng sinh lý:

Thông thường ở cây ăn trái có hiện tượng rụng nhiều đợt trái non trong 4 - 5 tuần đầu sau khi đậu trái, đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cây. Số lượng và tỷ lệ rụng tùy thuộc vào tình trạng của cây. Do cây không thể nuôi dưỡng hết các trái đã đậu nên việc giảm bớt số lượng là vấn đề tất yếu để cây có thể tập trung nuôi dưỡng một số lượng trái nhất định. Lúc này, cây sẽ tự tiết ra một số chất điều hòa sinh trưởng để tạo tầng rời ở cuống trái và trái sẽ rơi ra khỏi cây.

Cây ăn trái thường có hiện tượng “vụ trúng, vụ thất”. Nếu vụ trước trúng mùa, trái to, chất lượng, năng suất cao thì mùa tới chất lượng và năng suất đều giảm. Nguyên nhân là do cây cần tập trung dưỡng chất để nuôi trái và nếu không kịp hồi phục thì năng suất thấp là điều hiển nhiên. Do đó, điều quan trọng không phải là cây có năng suất cao đột ngột ở một vụ mà phải ổn định qua các năm.

Rụng không do sinh lý:

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến rụng trái non không do sinh lý là thời tiết, sâu bệnh hại và dinh dưỡng.

Một số người trồng cây thường ít chủ động tưới tiêu mà chờ nước từ mưa cung cấp cho cây, điều này có thể làm cây bị sốc do điều kiện thay đổi đột ngột. Những cây không có nước tưới hằng tuần bỗng nhiên tiếp nhận lượng nước lớn làm sinh lý cây thay đổi đột ngột, dẫn đến rụng trái non - phần dễ bị tác động nhất của cây. Ngoài ra, cây ăn trái lâu năm thường có bộ rễ phát triển, cắm sâu vào trong đất, và khi gặp mưa nhiều, tầng đất bên dưới luôn trong tình trạng ngập nước, hoạt động của bộ rễ sẽ bị ảnh hưởng do không có không khí. Do đó người trồng cần khai thông mương líp và tích nước tưới chủ động đều đặn kể cả trong mùa mưa.

Một nguyên nhân khác gây rụng trái non là do dinh dưỡng không phù hợp. Việc thừa, thiếu hay mất cân bằng dinh dưỡng đều dẫn đến tác hại do làm thay đổi sinh lý của cây. Đối với những cây cho trái trên thân như sầu riêng, cây có múi, mận,… việc cung cấp thừa đạm dẫn đến phát triển ngọn và cạnh tranh trực tiếp dinh dưỡng với trái, làm chất lượng trái giảm sút.

Để giúp cây giữ lại số lượng trái vừa phải thì ngoài việc dựa vào quá trình rụng trái sinh lý của cây, cần chủ động tỉa bớt trái non, chỉ giữ lại số lượng nhất định trên mỗi cành, mỗi cây. Khi đã cố định được lượng trái trên cây thì cần giữ được chúng cho đến ngày thu hoạch thông qua biện pháp sử dụng phân bón đầy đủ, có hàm lượng NPK đồng đều, cân đối trung vi lượng. Một vấn đề cần lưu ý là để trái có chất lượng thì ngoài đạm, lân, kali thì cây trồng cần có các trung và vi lượng, đặc biệt là canxi, mangan, bo. Do đó cần bổ sung thêm các trung vi lượng hoặc sử dụng loại phân TE.

Nhiều nông dân tiết kiệm công tưới nước nên thường bón phân trước khi trời mưa để lợi dụng nước mưa hòa tan phân. Tuy nhiên việc làm này thường không đem lại lợi ích như mong muốn do khi mưa lớn, phân sau khi bị hòa tan chưa ngấm hết vào đất thì bị chảy xuống ao hồ hoặc bị bốc hơi gây thất thoát. Do đó tốt nhất nên chủ động bón phân khi trời không mưa và tưới nước đều sau khi bón. Lượng phân bón cũng nên chia nhỏ ra nhiều lần, vừa tránh làm cây bị sốc khi dinh dưỡng hấp thụ vào tăng cao vừa hữu hiệu trong việc tránh thất thoát.

Trong giai đoạn tăng trưởng tích cực, kích thước của trái sẽ tăng nhanh, từ trái nhỏ đến lúc đứng trái, cần sử dụng phân có hàm lượng NPK cân bằng như Đầu Trâu TE 215 (20-20-15+TE mới) hoặc  16-16-16+TE. Trong đó Đầu Trâu TE 215 là loại phân bón tiết kiệm mới có bổ sung cả 2 hoạt chất agrotain và avail nhằm làm hạn chế thất thoát đạm và lân.

Sau khi trái ngừng tăng trưởng kích thước đến lúc thu hoạch là giai đoạn phát triển chất lượng của trái. Thời gian này cây trồng cần ít lân hơn so với trước, đạm và kali đồng đều. Nông dân có thể phối trộn theo tỷ lệ 6 kg Đầu Trâu TE 215 + 2 kg urê + 2 kg kali, công thức cuối khoảng 21-12-21, để sử dụng vào thời kỳ này. Ngoài sử dụng phân làm nền như nêu trên, tùy tình trạng thực tế cây trồng có thể bổ sung thêm đạm, lân, kali phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất./.

Phạm Thị Tiếc Lý - Trạm KN Châu Thành (Sở Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Tiền Giang)

 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận