Phòng trừ sâu bệnh hại cây cà phê

Bài viết này Thế Giới Nông Nghiệp sẽ tổng hợp về các loại sâu bệnh thường gặp trên cây cà phê. Mời bà con cùng theo dõi, chúc bà con thành công và có những vụ mùa cà phê bội thu.

Nhìn chung sâu bệnh hại trên cây cà phê được chia làm 2 loại. Một loại do côn trùng, sâu bọ và một loại do các chủng nấm và virus gây nên. Cụ thể như sau

Các loại sâu bọ, côn trùng hại cây cà phê:

  • Tuyến trùng hại cà phê
  • Sâu đục thân đục cành cà phê
  • Rệp muội, rệp vảy nâu – vảy xanh hại cà phê
  • Mọt đục cành cà phê
  • Ve sầu hại cà phê
  • Rệp sáp hại cà phê

Các loại nấm bệnh trên cây cà phê:

  • Bệnh gỉ sắt cà phê
  • Bệnh nấm hồng cà phê
  • Bệnh khô cành khô quả trên cà phê

I. Sâu bọ, côn trùng hại cây cà phê:

1. Tuyến trùng hại cà phê:

Tác nhân và triệu chứng cà phê bị tuyến trùng

Tác nhân gây bệnh

Tuyến trùng là một loại giun tròn có kích thước rất nhỏ, không thể quan sát bằng mắt thường, có hàng ngàn loại tuyến trùng, chúng có thể tồn tại trong đất, trong nước hoặc môi trường khác. Trong đó một số loài có ích, một số loài gây hại, nhưng hầu hết là gây hại cho cây trồng. Đối với cây cà phê gây hại chủ yếu là 2 loại tuyến trùng có tên khoa học Meloidogyne spp và Radopholus spp. Đây cũng là 2 loài tuyến trùng gây hại cho tiêu, thanh long, bơ,… và nhiều giống cây trồng khác

Triệu chứng bệnh tuyến trùng

Cây bị tuyến trùng biểu hiện thông qua các triệu chứng như vàng lá, sinh trưởng kém dẫn đến cây còi cọc, chồi non không phát triển, phần rễ tơ bị đen đầu, thối rễ, quan sát kỹ thấy có các nốt u, sần trên rễ. Cây bị nặng thì các triệu chứng này còn xuất hiện trên cả rễ lớn.

Tuyến trùng gây hại trong mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cà phê, tuy nhiên thường ảnh hưởng nặng nề đến cây trong giai đoạn kiến thiết và cây cưa đốn phục hồi (tái canh). Thường đối với cà phê kiến thiết, tuyến trùng gây hỏng rễ hoặc đứt rễ cọc, rễ rất yếu nên có thể nhổ bằng tay không. Trường hợp cây vượt qua được giai đoạn này thì rễ bị tổn thương, phát triển không bình thường nên dẫn đến sinh trưởng kém, năng suất không đạt.

Cơ chế gây hại của tuyến trùng trên cà phê

Tuyến trùng sinh sống dưới đất, thường làm tổ và đẻ trứng trên rễ, gặp điều kiện thuận lợi sẽ nở ra tuyến trùng con và tiếp tục gây hại. Phần tổ tuyến trùng chính là các nốt u sần trên rễ. Gây cản trở quá trình truyền dinh dưỡng và nước. Ngoài ra bản thân tuyến trùng cũng dùng miệng chích hút nhựa cây, chất dinh dưỡng thông qua rễ cây. Vết thương của tuyến trùng gây ra còn là cơ hội cho các bệnh về nấm, vi khuẩn, vi rút tấn công gây hại cho cây.

Tuyến trùng gây hại quanh năm, nhưng thời điểm phát triển mạnh nhất là vào đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa. Khi độ ẩm và nhiệt độ thích hợp. Vòng đời trung bình của tuyến trùng là từ 40-60 ngày. Tuy nhiên trứng thì có thể tồn tại cả năm trong đất. Gặp điều kiện thuận lợi sẽ nở thành con non phát tán và gây hại trên diện rộng. Trứng và con non thường dễ dàng xuôi theo dòng chảy do nước mưa, do việc tưới tiêu cho vườn cà phê.

Các biện pháp phòng trừ tuyến trùng cà phê

Biện pháp canh tác

  • Đối với vườn cà phê trồng mới, bà con cần tiến hành cày đất, xới xáo thật kỹ, thu gom và đốt sạch các phần rễ cây còn sót lại trong đất, trồng 2-3 vụ màu và phơi đất ít nhất 1 mùa khô để tiêu diệt con non và trứng
  • Khi ươm cà phê giống, cần sử dụng đất sạch, không lấy đất từ các vườn cà phê, vườn cây trồng đã từng bị tuyến trùng. Sau đó xử lý bằng các biện pháp hóa học trước khi đóng bầu.
  • Nếu ươm cà ghép, cần sử dụng gốc ghép là cà phê mít hoặc các giống cà phê vối sinh trưởng mạnh (Ví dụ: Giống cà xanh lùn, Giống cà TR4, TR9, TRS1, cà phê dây…) Những giống này ngoài năng suất cao, còn có khả năng hồi phục khá nhanh khi bị tuyến trùng, ít bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất.
  • Trong suốt quá trình ươm cây giống cà phê trong vườn ươm cũng cần thường xuyên xử lý tuyến trùng bằng các loại thuốc thích hợp (sẽ được trình bày phần sau)
  • Đối với cà phê giai đoạn kiến thiết và kinh doanh. Cần thường xuyên kiểm tra quan sát dấu hiệu bệnh, tiến hành phòng bệnh chủ động vào đầu mùa mưa.
  • Bón phân cà phê cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến trùng phát triển. Đặc biệt nên bón phân hữu cơ có chứa nấm đối kháng Trichoderma. Vừa có tác dụng giúp vi vật có ích phát triển, vừa hạn chế nấm bệnh phát triển kèm với tuyến trùng
  • Mùa khô tưới nước không nên tưới tràn, hạn chế tuyến trùng lây lan

Biện pháp sinh học và hóa học:

Bà con nên ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học trước khi dùng thuốc hóa học, vì thuốc hóa học có thể tiêu diệt tuyến trùng nhưng đồng thời cũng tiêu diệt các sinh vật có ích trong đất. Việc xử lý tuyến trùng cần được tiến hành định kỳ hàng năm, ít nhất 1 lần vào đầu mùa mưa và 1 lần vào giữa mùa mưa. Không để khi bệnh tiến triển nặng thì khó xử lý dứt điểm được. Việc sử dụng thuốc cần tham khảo hướng dẫn sử dụng trên bao bì và ý kiến của cán bộ khuyến nông trong khu vực

Các thuốc sinh học trừ tuyến trùng

Các thuốc hóa học trừ tuyến trùng

  • Thuốc chứa hoạt chất Abamectin (Syngenta Tervigo 020SC…). Loại này được khuyến cáo do ít độc hại không ảnh hưởng đến con người, môi trường, vật nuôi.

Tác hại của sâu đục thân, đục cành cà phê

Từ tên gọi ta đã dễ dàng nhận ra tác hại của loại sâu bọ này. Chúng thường tấn công vào thân, cành (bao gồm cả cành mang trái và cành chính) gây chết phần thân, cành bên trên. Trường hợp không có các biện pháp canh tác, biện pháp xử lý phù hợp, có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ dễ dàng phát triển thành dịch, gây hại nghiêm trọng đến vườn cà phê.

Sâu đục thân – đục cành thường tấn công vào các vườn cà phê kiến thiết và kinh doanh những năm đầu. Làm giảm năng suất, chết cây, trường hợp cây chống chịu được thì cũng sinh trưởng chậm, lá vàng còi cọc, cành và thân dễ gãy đổ. Một số biểu hiện thường thấy khi bị sâu đục thân

  • Cây có toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc thêm nhiều chồi thân.
  • Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2-3 mm.
  • Lỗ do sâu đục thân mình hồng còn phát hiện thấy phân sâu đùn ra, dễ nhận thấy bằng mắt thường
  • Phần cây và cành bị sâu đục dễ bị gãy ngang tại vị trí sâu sinh sống.
  • Chẻ dọc thân cây thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sâu non.

Sâu đục thân mình trắng hại cà phê (Xylotrechus quadripes)

Đặc điểm hình thái, sinh trưởng

Là ấu trùng của một loại bọ có tên khoa học Xylotrechus quadripes, thuộc họ xén tóc. Vòng đời trung bình khoảng 6-8 tháng. Gây hại chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng. Các giai đoạn phát triển bao gồm

  • Trứng: 30-32 ngày
  • Sâu non (ấu trùng): 60 – 120 ngày
  • Nhộng: 30 – 35 ngày
  • Con trưởng thành: 25 – 30 ngày

Con non hình dáng như con sâu, màu trắng hoặc vàng, trên thân có nhiều đốt, phía đầu to, phía đuôi nhỏ dần. Con trưởng thành có cánh, đầu màu xám, cánh và thân màu đen, trên cánh có các đường vân màu trắng. Chúng thường sinh sản quanh năm, nhưng có 2 đợt chính là tháng 4,5 và tháng 10,11. Con trưởng thành đẻ trứng ở thân cây, các kẽ nứt, trứng nở thành sâu con và bắt đầu đục vào thân, cành gây hại.

Đặc điểm gây hại

Ấu trùng (sâu non) sau khi nở tuy nhỏ nhưng hoạt động rất nhanh nhẹn, chúng đục vào cành – thân cây, đục ngoằn ngoèo trong thân, cắt ngang các mạch gỗ, đục tới đâu thì đùn phân lấp kín tới đó. Khi gần chuyển thành nhộng, ấu trùng đục ra sát phần vỏ và hóa nhộng tại đây

Sâu đục thân mình hồng hại cà phê (Zeuzera coffeara)

Đặc điểm hình thái, sinh trưởng

Đây là giai đoạn ấu trùng của một loài bướm có tên khoa học là Zeuzera coffeara. Con trưởng thành hình dáng con bướm (con ngài) dài 20-30mm màu trắng, cánh có nhiều chấm xanh biếc, trên thân nhiều lông trắng. Sâu non (ấu trùng) có thân dài 30-50mm, màu hồng hoặc đỏ. Nhộng dài 15-35cm, vẫn sống trong cây. Con trưởng thành thường đẻ trứng tập trung thành dải ở chồi non, nụ hoa. Mỗi lần có thể đẻ từ 400 đến 2000 trứng.

Đặc điểm gây hại

Trứng sau 14-16 ngày, nở thành ấu trùng, thời gian đầu ấu trùng rất nhỏ, nhưng hoạt động nhanh nhẹn. Đục vào cành tăm hay đốt non. Tạo thành lỗ tròn trên thân và cành. Ấu trùng có 6 lần lột xác, mỗi lần lột xác lại chuyển vị trí sinh sống, gây hại trên phần thân và cành lớn hơn.

Khi đục trong thân, đục tới đâu thì đùn phân ra tới đó, nên dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Phá hủy các mạch gỗ, làm phần thân bên trên không lấy được dinh dưỡng và nước, vàng héo rồi chết dần. Cành và thân bị sâu đục cành tấn công rất dễ gãy đổ khi gặp gió hoặc ngoại lực tác động

Các biện pháp phòng trừ sâu đục thân, sâu đục cành cà phê

Nhìn chung sâu đục thân mình trắng và sâu đục thân mình hồng sinh trưởng + gây hại như nhau, do đó cách phòng trừ cũng tương tự nhau. Bao gồm biện pháp canh tác và biện pháp hóa học

Phòng trừ bằng biện pháp canh tác

  • Trồng các cây che bóng tán rộng, giảm cường độ chiếu sáng (Có thể trồng sầu riêng thái hoặc bơ sáp trái vụ để tăng thu nhập)
  • Cắt tỉa cành tạo tán cân đối, bảo đảm phần thân cành được che phủ từ trên xuống dưới
  • Cắt bỏ phần thân, cành đã bị sâu tấn công, dùng móc sắt để bắt sâu
  • Tiêu hủy phần thân, cành đã bị hại tránh sự lây lan của sâu đục thân
  • Thường xuyên thăm vườn, quan sát và phát hiện con trưởng thành, có biện pháp xử lý kịp thời
  • Bảo vệ các loài thiên địch như loài ong Apenesia sahyadrica Azevedo & Waichert.
  • Sử dụng bẫy đèn, bẫy dính để bẫy con trưởng thành
  • Bên cạnh đó, cũng nên bón phân cân đối và sử dụng giống cà phê sinh trưởng mạnh, giúp cây có sức đề kháng vượt qua được giai đoan sâu bệnh. Một số giống sinh trưởng mạnh, năng suất cao bao gồm: Giống cà phê xanh lùn, giống 138, giống 414, giống vối lai TRS1, giống cafe dây…

Phòng trừ bằng biện pháp hóa học

Phun các thuốc trừ sâu có tính nội hấp, thấm sâu. Phun vào giai đoạn đầu và cuối mùa khô, đây là giai đoạn nhộng lột xác thành con trưởng thành. Đẻ trứng và gây hại nhiều nhất. Các thuốc thường sử dụng có hoạt chất Cypermethrin,  Fenobucarb, Dimethoate… Các thuốc này ngoài tác dụng tiêu diệt sâu đục thân, đục cành còn giúp phòng trừ các sâu bọ gây hại trên cây cà phê khác như: rệp sáp hại cà phê, ve sầu hại cà phê, các loại rệp hại cà phê…

Một số thuốc thuốc trừ sâu đục thân, đục cành hại cà phê: Radiant 60SC, Prevathon 5SC 

Phòng trừ rệp muội, rệp vảy nâu – vảy xanh hại cà phê

Đặc điểm của các loài rệp hại cà phê

Gây hại trên cây cà phê có 3 loài rệp chính: Rệp muội, rệp vảy nâu và rệp vảy xanh. Chúng thường xuất hiện đơn lẻ hoặc đồng thời khi có điều kiện phù hợp. Thường là mùa khô, giai đoạn thời tiết ít mưa

  • Rệp muội: Còn có tên gọi là rầy mềm hay rệp bông. Tên khoa học là: Aphis gossypii, tên tiếng Anh: Aphid. Thân màu xanh đen hoặc vàng xanh. Giống nhau về hình dáng, con trưởng thành có thể có cánh hoặc không. Chiều dài cơ thể 1,2 – 1,9mm. Đầu và ngực màu nâu đen, bụng vàng nhạt có khi xanh đậm. Ống bụng màu đen. Vòng đời trung bình 5-7 ngày nhưng sinh sản nhanh với sống tập trung thành tổ với số lượng lớn. Các cá thể rệp muội đều có khả năng sinh sản. Chất thải của rệp thường thu hút sự phát triển của nấm muội đen.
  • Rệp vảy nâu: Tên khoa học Saissetia hemisphaerica. Con cái trưởng thành không có cánh, phồng lên thành hình bán cầu có vỏ màu nâu. Kích thước 2-3mm. Con được có cánh màu xanh hoặc vàng nhạt, dài 1,2mm
  • Rệp vảy xanh: Tên khoa học Coccus viridis. Rệp cái trưởng thành không có cánh, mình dẹp màu xanh, bám chặt vào lá và cành non
  • Cả ba loài rệp thường tiết ra dịch ngọt, thu hút các loài kiến cộng sinh. Chúng thường ít di chuyển và đôi khi được kiến mang thức ăn đến nuôi.

Đặc điểm gây hại của của các loại rệp cà phê

  • Rệp muội: Gây hại trên nhiều loại cây trồng như cà phê, chè xanh, cam, quýt, bưởi da xanh... Rệp bám vào lá và các ngọn non để chích hút nhựa cây, làm cho lá/ngọn biến dạng, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm cho bộ phận đó khô héo rồi chết. Phần chất thải của rệp còn thu hút nấm muội đen phát triển, gây cản trở quang hợp giảm năng suất cây trồng. Rệp muội gây hại quanh năm, đặc biệt là giai đoạn cây ra chồi non, ra lá mới
  • Rệp vảy nâu, vảy xanh: Cũng bám chặt vào lá và cành non để hút nhựa, làm lá biến dạng, hỏng chồi. Các vườn cà giai đoạn cây con và kiến thiết, cần đặc biệt lưu ý. Rệp vảy nâu và vảy xanh thường xuất hiện nhiều vào mùa khô
  • Vết thương do rệp chích hút nhựa còn là nơi lý tưởng để các loại nấm bệnh, virus, vi khuẩn tấn công và lây lan

Biện pháp phòng trừ rệp hại cà phê

  • Biện pháp canh tác: Dọn vườn tược sạch sẽ, hạn chế cỏ dại. Áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc cà phê để cây khỏe mạnh.
  • Biện pháp hóa học: Vào mùa khô phun phòng rệp bằng các loại thuốc lưu dẫn, nội hấp mạnh, chứa hoạt chất – Acephate, Benfuracarb,  Alpha-Cypermethrin, Imidacloprid… Mỗi lần phun cách nhau 10-15 ngày. Có thể trộn thêm thuốc chứa Buprofezin để tăng tác dụng diệt trứng, ấu trùng rệp.
Các thuốc trừ rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh:
  • Chứa hoạt chất Acephate (Lancer 50SP)
  • Chứa hoạt chất Benfuracarb (Oncol 20EC)
  • Chứa hoạt chất Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC)
  • Chứa hoạt chất Buprofezin (Butyl 10WP)

Mọt đục cành cà phê và các biện pháp phòng trừ hiệu quả:

Đặc điểm của mọt đục cành cà phê (Xyleborus morstatti)

Có nhiều chủng loài mọt, nhưng gây hại trên cây cà phê là loài mọt có tên khoa học Xyleborus morstatti (tên tiếng anh: Black twig borer) thuộc họ cánh cứng. Con trưởng thành có chiều dài khoảng 2mm, con cái có cánh cứng, màu nâu hoặc đen, con đực nhỏ hơn và không có cánh. Trước khi phát triển thành bọ trưởng thành, mọt trải qua giai đoạn trứng -> ấu trùng -> nhộng -> bọ trưởng thành.

  • Trứng mọt có màu trắng kích thước từ 0.3 – 0.5mm
  • Ấu trùng không có chân tựa con sâu với đầu màu nâu/đen, thân màu trắng sữa, chiều dài khoảng 2mm
  • Nhộng màu trắng kem, dài gần bằng con trưởng thành.

Đặc điểm gây hại của mọt đục cành cà phê

  • Con cái ban đầu đục một lỗ nhỏ khoảng 1mm ở phía dưới cành, sau đó di chuyển vào phần giữa thân, làm tổ và đẻ trứng ở đó. Mỗi tổ có khoảng 30-50 trứng. Sau khi nở ấu trùng sẽ bám vào thành tổ, ăn thức do mọt cái mang vào.
  • Vòng đời trung bình của mọt đục cành là 30-48 ngày. Trong đó, gian đoạn trứng: 5-6 ngày, ấu trùng: 12-15 ngày, nhộng: 7-8 ngày, con trưởng thành: 16-19 ngày.
  • Mọt đục cành thường gây hại vào cuối mùa mưa đầu mùa khô (khoảng tháng 9-11 DL). Phát triển mạnh trên các vườn trồng cà phê giai đoạn kiến thiết (2-3 năm đầu). Khi nhộng lột xác thành con trưởng thành, mọt tiếp tục bay qua cành khác, cây khác gây hại. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể bùng phát thành dịch.
  • Mọt đục cành làm tổn thương hệ thống mạch dẫn, khiến cho phần cành bị mọt không được cung cấp nước và chất dinh dưỡng, héo rũ nhanh chóng rồi chết khô trên cây. Chẻ dọc cành sẽ thấy phần ruột bị rỗng, có trứng hoặc ấu trùng mọt bên trong.
  • Các tổn thương do mọt gây ra còn là môi trường lý tưởng để các loại nấm tấn công và lây lan.

Biện pháp phòng trừ mọt đục cành cà phê

  • Biện pháp canh tác:+ Thường xuyên dọn dẹp vườn tược, tạo độ thông thoáng, hạn chế các loại cây là ký chủ chung của mọt
    + Áp dụng đúng quy trình chăm sóc cà phê để cây khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt hơn
    + Vào thời kỳ bọ gây hại mạnh cần thường xuyên kiểm tra vườn tược, phát hiện sớm và tiêu hủy các phần thân cành có dấu hiệu bị mọt tấn công
    + Sử dụng các giống cà phê sinh trưởng mạnh, kháng bệnh tốt
  • Biện pháp hóa học: Nên phun phòng ít nhất 1 lần/năm bằng các thuốc trừ sâu có tính thấm sâu, lưu dẫn mạnh. Khi thấy có mọt xuất hiện nhiều phun thành 2-3 lần mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Các thuốc chứa hoạt chất Abamectin, Alpha-cypermethrin, Abamectin + Matrine cho thấy hiệu quả cao trong việc phòng trừ và tiêu diệt mọt đục cành. Các biện pháp hóa học kể trên cũng có thể áp dụng để phòng trừ rệp sáp hại cà phê, ve sầu hại cà phê, sâu đục cành cà phê, các loại rầy…

Các thuốc trừ mọt đục cành cà phê

Ve sầu hại cà phê – Đặc điểm và các biện pháp phòng trừ

Ve sầu hại cà phê hầu như không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây cà phê. Tuy nhiên, do việc sử dụng tràn lan các loại thuốc trừ sâu, làm chết các loài thiên địch như kiến, ong,…, khiến cho những năm gần đây ve sầu có điều kiện bùng phát, gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và sinh trưởng của cây cà phê.

Đặc điểm của ve sầu hại cà phê

Ve sầu có nhiều nhiều loài, nhưng gây hại trên cà phê chủ yếu là 6 loài ve có tên khoa học là

  • Macrotristria dorsalis
  • Dundubia nagarasagna Distant: Ve sầu phấn trắng
  • Purana pigmentata Dustant: Ve sầu nâu đỏ
  • Purana guttularis Walker: Ve sầu nhỏ
  • Pomponia daklakensis Sanborn: Ve sầu cánh vân
  • Haphsa bindusa Distant: Ve sầu lưng vằn

Mùa sinh sản của ve sầu là vào mùa mưa, từ ấu trùng sống dưới đất, ve bò lên và bám vào cành, lá để lột xác thành ve trưởng thành, sống trong khoảng 2-4 tuần. Có chiều dài thân từ 2-4cm, có cánh và bay được, con đực thường phát ra tiếng kêu đặc trưng, thu hút con cái. Sau khi giao phối thành công, ve cái đẻ trứng vào các kẽ thân, vỏ cây, rồi kết thúc vòng đời. Mỗi con cái có thể đẻ đến vài trăm trứng

Trứng của ve sau đó nở thành ấu trùng, rơi xuống đất, đào hang làm tổ ở gần rễ cây, chích hút nhựa cây để sống. Thời gian tồn tại của ấu trùng là 1-2 năm, có loài có thể lên đến 10 năm. Khi đủ độ trưởng thành, ấu trùng lại bò lên mặt đất lột xác, bắt đầu một vòng sinh sản mới.

Đặc tính gây hại của ve sầu

Giai đoạn ấu trùng là giai đoạn gây hại nặng nề nhất cho cây cà phê, chúng có hình dáng tự như con sâu, làm tổ ở phần rễ, bám chặt và chích hút nhựa cây, gây thương tổn tạo điều kiện cho các loại nấm rễ tấn công. Đồng thời khi đào tổ và di chuyển trong đất, chúng còn cắn đứt các rễ tơ, rễ cám. Làm cho cây hút dinh dưỡng và nước kém hơn. Về lâu dài dẫn đến vàng lá, còi cọc, rụng trái. Cây còn nhỏ bộ rễ yếu có thể dẫn đến ngừng sinh trưởng rồi chết.

Biện pháp phòng trừ ve sầu hại cà phê

  • Biện pháp canh tác:
    + Chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng khỏe mạnh, bộ rễ phát triển tốt.
    + Hàng năm sau thu hoạch cần cào lá, dọn bồn sạch sẽ tạo sự bất lợi cho ve sầu phát triển
    + Dọn vườn tược thông thoáng, hạn chế cỏ dại
    + Có thể dùng các loại bẫy dính, quấn quanh cây vào ban đêm để bẫy ấu trùng bò lên lột xác
    + Lúc làm cỏ, làm bồn cà phê, quan sát nếu thấy đất có lẫn nhiều ấu trùng ve sầu cần tiến hành các biện pháp hóa học
    + Hạn chế tiêu diệt các loài thiên địch như kiến ăn mồi, ong, nhện, bọ rùa…
    + Ngoài ra có thể chọn giống cà phê kháng bệnh, năng suất cao, sinh trưởng mạnh, giúp cây có đủ sức chống chịu sâu bệnh
  • Biện pháp hóa học: Hiện nay có nhiều thuốc trừ ve sầu nhưng các thuốc chứa hoạt chất. Nên phun phòng trừ định kỳ ít nhất 1 lần /năm. Vào đầu mùa mưa. Phun lên tán cây để diện trứng và tưới gốc để diệt ấu trùng. Các biện pháp hóa học ngoài diệt ve sầu còn có tác dụng diệt côn trùng gây hại khác như: Rệp sáp cà phê, Mọt đục cành cà phê, sâu đục thân cà phê.

 Rệp sáp hại cà phê cách phòng trừ hiệu quả

Rệp sáp hại cà phê (còn gọi là rệp bông, rệp phấn trắng) nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sinh trưởng của cây cà phê. Nhẹ thì rụng trái, khô cành, trường hợp nặng hơn khi tấn công rễ, rệp sáp sẽ làm cho nấm bệnh phát triển, cây vàng úa, lâu dài có thể làm chết cây.

Đặc điểm hình thái của rệp sáp

  • Tên khoa học: Planococcus kenyae
  • Tên tiếng anh: Coffee mealybug
  • Tên gọi khác: Rệp phấn trắng, rệp bông
  • Rệp trưởng thành có hình bầu dục, trên người có nhiều sợi sáp màu trắng. Con đực không có sáp, mình thon dài, mắt to, râu và chân có nhiều lông ngắn
  • Trứng rệp sáp hình bầu dục, thường dính với nhau thành tổ hình tròn, bên ngoài có lớp lông tơ màu trắng bao phủ
  • Rệp non màu hồng nhạt, chân phát triển mạnh, chưa xuất hiện sáp
  • Vòng đời của rệp sáp khoảng 30-45 ngày

Đặc điểm gây hại của rệp sáp

  • Loại hại rễ: Thường sinh sống ở dưới đất, bám quanh rễ, chích hút rễ đồng thời tạo ra một lớp sáp quanh rễ khiến rễ không hấp thụ được nước và chất dinh dưỡng, đồng thời những vị trí bọ sáp chích cũng là nơi phát sinh các loại nấm hại rễ. Cây bị rệp tấn công rễ thường còi cọc, vàng úa, quả rụng non, một thời gian nếu không chữa trị cây sẽ chết
  • Loại hại lá và chùm quả: Vào mùa mưa rệp bắt đầu đẻ trứng ở các nách lá, chùm bông, chùm quả. Sau khi trứng nở, rệp con nhanh chóng tìm nơi sinh sống và ít di chuyển. Chúng thường sống tập trung, chích hút nhựa cây, gây héo ngọn, khô lá, vàng rụng quả non. Giảm năng suất cũng như chất lượng quả
  • Những vị trí rệp sáp sinh sống thường xuất hiện kèm nấm hồng, nấm bồ hóng, làm giảm khả năng quang hợp, cũng như lây lan ra các vị trí khác trên cây.

Biện pháp phòng trừ rệp sáp hại cà phê

  • Biện pháp canh tác: Thường xuyên dọn cỏ, cắt tỉa cành, giữ cho vườn tược thông thoáng. Kiểm tra định kỳ nách lá, nụ, chùm quả, xử lý ngay khi thấy rệp xuất hiện. Đặc biệt những năm thời tiết khô hạn. Áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cà phê, kỹ thuật bón phân cho cà phê đúng cách, ngoài ra cũng có thể trồng các giống cà phê cao sản kháng bệnh, sinh trưởng khỏe mạnh để cây có đủ sức chống chịu với sâu bệnh
  • Biện pháp hóa học: Sử dụng các thuốc trừ sâu có tính nội hấp, lưu dẫn mạnh. Phun phòng và phun khi rệp bắt đầu xuất hiện. Khi phun cần chọn ngày mát trời.
  • Nếu rệp hại rễ, bới đất xung quanh gốc, đổ thuốc xuống, lấp lại và tưới đẫm nước

Các thuốc trừ rệp sáp cà phê

  • Thuốc chứa hoạt chất Cypermethrin (SecSaigon 50EC)
  • Thuốc chứa hoạt chất Cypermethrin + Profenofos (Polytrin P 440 EC)
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận