Phòng trừ sâu ăn bông và sâu đục trái chôm chôm

Chôm chôm là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, nhất là hiện nay nông dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chôm chôm rải vụ rất thành công. Tuy nhiên, ngoài nắm vững kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ, để có năng suất cao, nông dân phải quản lý tốt các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu ăn bông và sâu đục trái gây hại ở giai đoạn ra hoa và mang trái làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Triệu chứng bị sâu đục trái gây hại.


Nhóm sâu ăn bông gồm nhiều loài khác nhau, đã phát hiện có khoảng 11 loài thuộc Bộ Cánh vẩy gây hại trên bông nhưng quan trọng nhất là Thalassodes falsaria và Comibaena sp cũng hiện diện khá phổ biến.


Thành trùng của sâu ăn bông Comibaena sp có chiều dài sãi cánh khoảng 18mm, thân hình có màu xanh, cánh trước và cánh sau có một đường viền lớn màu nâu. Ở góc sau của cánh trước và góc trước của cánh sau có một vệt lớn màu nâu. Ấu trùng có kích thước khoảng 15mm, mình có màu nâu vàng. Nhộng màu vàng nâu và chuyển sang đen khi gần vũ hóa. Sâu hóa nhộng ngay trong nhánh bông chôm chôm khô đã bị sâu gây hại. Bướm đẻ trứng trên các chùm bông, sâu non nở ra gây hại bằng cách ăn trụi các nhánh bông, có thể phát hiện rất nhiều sâu trên một chùm bông. Sâu thường có tập quán nhả tơ, kết dính các bông chôm chôm  để bao phủ cơ thể nên nông dân thăm vườn nếu không chú ý quan sát sẽ khó phát hiện. Triệu chứng nhận biết sự xuất hiện và gây hại của sâu là thấy những chùm bông chôm chôm bị nâu đen và dính lại do những sợi tơ  của sâu. Khi bị động, ấu trùng thường bám sát trên các nhánh bông. Sâu thường tấn công các nụ bông khi chưa nở nhuỵ.

Trong giai đoạn mang trái, đáng quan tâm nhất là sâu đục trái. Sâu đục trái chôm chôm có tên khoa học Conogethes punctiferalis thuộc họ Pyralidae. Bướm tương đối nhỏ, thân dài khoảng 12mm, sãi cánh rộng 25mm. Toàn thân và cánh có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Sâu non đẫy sức dài khoảng 22mm, đầu màu nâu, thân màu hồng nhạt, trên mỗi đốt ở phía lưng có 4 đốm nâu nhạt.


Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường bám trên chùm bông để hút mật và đẻ trứng trên trái non. Trứng nở vào lúc sáng sớm. Sâu non mới nở bò rất nhanh và đục ngay vào trái. Sâu phá hại từ khi trái non đến khi sắp chín, gây hại nặng nhất lúc trái có cơm. Sâu đục vào trong trái và ăn rỗng cả hạt của trái non. Sâu thường chui vào trái ở chổ gần cuống, đào thành đường hầm giữa vỏ và thịt trái. Khi sâu tấn công giai đoạn trái còn nhỏ sẽ thấy những chùm trái non khô đen và kết dính lại với nhau. Trái non bị sâu đục biến dạng và rụng sớm. Sâu gây hại lúc trái lớn làm trái bị giảm phẩm chất. Sâu thường hoá nhộng trong kén trên cuống trái, nơi tiếp giáp giữa các trái trong chùm.

Biện pháp phòng trừ sâu ăn bông và sâu đục trái
    - Thường xuyên vệ sinh vườn, Sau thu hoạch cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh để tạo cho vườn thông thoáng.
    - Thu gom và tiêu huỷ những chùm bông hoặc những chùm trái bị sâu
    - Ở những vùng thường xuyên bị sâu ăn bông và sâu đục trái gây hại, thường xuyên thăm vườn khi cây trổ bông, mang trái để phát hiện sớm sự xuất hiện và gây hại của sâu. Sử dụng thuốc trừ sâu như Radiant 60SCBenevia 100OD hoặc Confidor, Regent,….

Nếu phun thuốc giai đoạn trái nên chú ý đảm bảo thời gian cách ly ./.

Source Sở Nông Nghiệp Bến Tre. 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận