Ứng dụng công nghệ trồng chuối cấy mô
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Trung Chánh (thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chủ yếu trồng cây mía và mì.
Những loại cây này mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định, nhưng thời gian gần đây, việc trồng mía gặp nhiều khó khăn, năng suất giảm, giá cả bấp bênh.
Năm 2017, nhận thấy một số hộ trên địa bàn xã Suối Cát áp dụng mô hình trồng chuối cấy mô hiệu quả nên ông Chánh tìm hiểu và cải tạo đất trồng thử nghiệm 100 cây. Chuối sau khi trồng phát triển tốt, cho quả đều, buồng to, không có sâu bệnh. Năm đó, gia đình ông thu được 94 buồng chuối vào đúng dịp Tết Nguyên đán, thương lái tới mua tận nơi với giá hơn 1 triệu đồng/buồng. Từ đó đến nay, hàng năm, gia đình ông đều tăng diện tích trồng chuối lên năm sau cao hơn năm trước.
Riêng năm 2019, gia đình ông trồng khoảng 2ha với hơn 2.000 cây, trong đó 50% số cây cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, số còn lại cho thu hoạch rải rác, lợi nhuận thu được khoảng 400 triệu đồng/ha. Năm 2020, gia đình ông trồng 3ha với 3.000 cây. Hiện nay, cây phát triển rất tốt, tỷ lệ cây đạt chuẩn hơn 97%.
Theo lãnh đạo Sở KHCN, từ năm 2017 bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học thông qua các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và cấp cơ sở, trên địa bàn huyện Cam Lâm có hơn 20 mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được hỗ trợ chuyển giao cho địa phương.
Ngoài mô hình trồng chuối cấy mô, địa phương còn thực hiện một số mô hình đạt hiệu quả cao như: Cải tạo vườn điều thông qua việc ghép một số giống điều có năng suất cao trên cây điều truyền thống; chuyển giao kỹ thuật trồng cây kiệu cho người dân thị trấn Cam Đức; kỹ thuật trồng cây măng tây tại xã Suối Cát...
Ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cam Lâm cho biết: Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, triển khai, tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bài viết cùng danh mục:
Xem tất cả- 0 Bình luận