TPHCM: Cung ứng 50-60% nhu cầu giống hoa lan vào năm 2030
TPHCM đẩy mạnh phát triển ngành lai tạo giống để trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản của cả nước và khu vực. Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu đáp ứng được 50-60% nhu cầu giống hoa lan cho nông dân. Hiện hoa lan là sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhưng lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cây giống nhập khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TPHCM vừa có tờ trình gởi UBND TPHCM về việc phê duyệt “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030”.
Theo Chương trình này, mục tiêu chính của nông nghiệp TPHCM là nâng cao năng lực nghiên cứu lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại. Qua đó, phát triển TPHCM thành trung tâm giống cây, con và nông nghiệp chất lượng cao của cả nước và khu vực.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, TPHCM phấn đấu mỗi năm chuyển giao 5-6 giống rau mới chất lượng cao, đẩy mạnh sử dụng giống cây, con ươm sẵn đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị. Phục tráng các giống rau đặc sản có giá trị cao để cung cấp cho thị trường khoảng 850-950 tấn hạt giống các loại, đáp ứng cho khoảng 1,2-1,5 triệu ha gieo trồng mỗi năm.
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, giống lan nội địa đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu giống hoa lan cho sản xuất. Ảnh: Nam Bình.
Riêng đối với hoa lan, đến năm 2030, TPHCM phấn đấu sản xuất giống hoa lan tại chỗ cung ứng khoảng 50-60% nhu cầu phát triển diện tích hoa lan tại thành phố, cung ứng cho thị trường khoảng từ 30-40 triệu cây giống/năm, chủ yếu là giống lan cấy mô. Số lượng này sẽ đáp ứng được khoảng 500-600ha canh tác.
Nhận định về mục tiêu này, ông Đỗ Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cho rằng, cần có những chính sách cụ thể để đẩy nhanh tiến độ phát triển giống hoa lan nội địa cung cấp cho sản xuất.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao chỉ cung cấp được khoảng 1,2 triệu cây lan từ cấy mô. Một đơn vị khác là Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM cũng chỉ cung cấp được 200.000 cây.
Phần còn lại trong tổng nhu cầu hơn 30 triệu cây giống mỗi năm nêu trên là lượng thiếu hụt rất lớn.
Theo ông Hà, nhu cầu giống hoa lan cho mở rộng diện tích vườn lan của bà con nông dân ở các quận, huyện ngoại thành hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp từ các trung tâm nghiên cứu chỉ khoảng 1,5 triệu cây. Số còn lại, phụ thuộc vào nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan và nguồn giống ít ỏi từ các tỉnh, chủ yếu là lan rừng.
Thực tế đến nay, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học được xem là hai đơn vị đầu tàu trong triển khai ứng dụng NNCNC của TPHCM nhưng tổng khả năng cung cấp giống hoa lan cấy mô cho thị trường cũng chỉ khoảng 1,5 triệu cây.
Do đó, việc đẩy mạnh phát triển giống hoa lan để đáp ứng trên 50% nhu cầu như trong “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030” là rất cần thiết, thậm chí cần đẩy nhanh hơn nữa.
Sản xuất giống lan cấy mô tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Nam Bình.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM đánh giá, hoa lan được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố. Dự kiến đến năm 2025, diện tích hoa lan đạt 550ha và năm 2030 đạt khoảng 600ha. Tuy nhiên, giống hoa lan vẫn là vấn đề cấp thiết của ngành nông nghiệp TPHCM hiện nay.
Việc đặt mục tiêu sản xuất được 30-40 triệu cây giống lan trong 10 năm tới là con số lớn, đòi hỏi nỗ lực hợp tác triển khai từ nhiều phía. Theo ông Hiệp, thực hiện chương trình phát triển giống gắn với công nghệ cao đồng nghĩa việc TPHCM coi nguồn giống là một sản phẩm của nông nghiệp, chứ không còn là đầu vào vật tư đơn thuần.
Riêng đối với giống lan, TPHCM sẽ phấn đấu để giảm lượng giống nhập khẩu, bớt phụ thuộc vào nguồn giống từ nước ngoài trong hành trình phát triển hoa lan thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.
"Việc này đòi hỏi không chỉ các trung tâm nghiên cứu mà cần có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn thích mua đi bán lại hạt giống vì khâu thương mại có lời hơn. Nhưng như thế, ngành giống dễ đi vào mai một!”, ông Hiệp cho biết.
Năm 2020, TPHCM có tổng diện tích vườn lan khoảng 375ha, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2019. Riêng mùa Tết nguyên đán Canh Tý 2020, TPHCM cung cấp ra thị trường khoảng 4,7 triệu chậu lan và 6,7 triệu cành lan cắt cành. Tổng trị giá hoa lan các loại đưa ra thị trường ước đạt 215,4 tỉ đồng.
Thị trường tiêu thụ của hoa lan TPHCM chủ yếu là thị trường nội địa gồm các cửa hàng hoa tươi tại TPHCM (khoảng 20%), các chợ đầu mối (45%), phân phối về các tỉnh, thành trên cả nước (khoảng 30%) và một phần rất nhỏ còn lại xuất khẩu sang Campuchia. Từ năm 2018, TPHCM đã xuất khẩu được khoảng 180.000 cành hoa lan mokara sang thị trường Campuchia mỗi năm.
Nam Bình (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/314365/tphcm-cung-ung-50-60-nhu-cau-giong-hoa-lan-vao-nam-2030.html