Chàng trai 9X và câu chuyện vươn lên từ nông nghiệp sạch

Khi đang còn là sinh viên, anh Trần Thanh Tiền (SN 1992) ngụ ấp Long Hưng, xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã quyết tâm khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng. Trải qua nhiều gian nan, nay anh đã làm chủ một nông trại trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao có tiếng tại khu vực vùng biên giới Hồng Ngự.

Anh Trần Thanh Tiền với mô hình trồng dưa lưới theo hướng sạch

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ, anh Trần Thanh Tiền luôn cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng người thân trong gia đình. Anh tâm sự, nếu đi làm mướn thì suốt đời khó có thể cải thiện kinh tế gia đình. Chính những thách thức của cuộc sống đã hun đúc anh thêm nghị lực để vươn lên.

Tốt nghiệp THPT, anh Tiền thi đỗ vào Khoa Công nghệ sinh học thuộc Trường Đại học An Giang. Trong quá trình học, anh Tiền không ngừng nuôi dưỡng niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Với ý chí quyết tâm cùng những nỗ lực, anh Trần Thanh Tiền tốt nghiệp đại học loại giỏi và trúng tuyển trong Top 20 sinh viên chuyên ngành nông nghiệp, được đi học tập tại Israel, khóa học có thời gian hơn 11 tháng.

Sang đất nước Israel với thời gian đầu bỡ ngỡ nhưng anh vẫn nuôi khát vọng làm giàu từ nông nghiệp sạch. Vừa đi học, anh Tiền vừa làm thêm tại các trang trại nông nghiệp để trang trải học phí và học hỏi kinh nghiệm từ quốc gia khởi nghiệp tiên tiến như Israel.

Sau khi hoàn thành học kỳ nghiên cứu nông nghiệp tại Israel, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp lớn ngỏ ý mời anh Tiền về làm việc. Do muốn gần gũi gia đình và thỏa niềm đam mê cải thiện sản xuất nông nghiệp trên chính vùng đất quê hương mình, anh Tiền đã quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng sạch và hiện đại.

Anh Trần Thanh Tiền tâm sự: “Đã từ lâu tôi ấp ủ phải thực hiện cho được một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tìm hiểu kỹ, tôi chọn cây dưa lưới. Không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn mong cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe”.

Về nước với một tinh thần đầy nhiệt huyết, anh Trần Thanh Tiền bắt tay ngay vào trồng thử nghiệm dưa lưới trên diện tích khoảng 100m2. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng, lứa dưa đầu tiên chỉ cho thu hoạch với năng suất kém, đạt khoảng 50% so với dự kiến vì sâu bệnh tấn công nhiều.

Với tinh thần cầu thị, anh Tiền đã mang dưa lưới gửi tặng bạn bè gần xa nhằm lấy ý kiến phản hồi và giới thiệu sản phẩm. Sau lần đầu thất bại, từ những góp ý và rút kinh nghiệm, anh Tiền đầu tư và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến với việc sử dụng phân sinh học và phân hóa học được nhập khẩu từ Israel, phương pháp tưới nhỏ giọt, sử dụng thiên địch để phòng sâu bệnh, kiểm tra độ ẩm, ánh sáng...

Anh Tiền chia sẻ: “Thời điểm đầu mô hình trồng dưa lưới của tôi gặp rất nhiều khó khăn do khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp. Bản thân nghe rất nhiều lời bàn tán xầm xì khen chê mô hình nhưng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Ngay vụ thứ 2 trồng dưa lưới đã mang lại hiệu quả khi mỗi trái dưa lưới nặng khoảng 2 - 2,5kg, bán ra thị trường với giá 45.000 - 50.000 đồng. Quy trình sản xuất cũng được thực hiện với nhiều kỹ thuật cao với hệ thống nhà lưới và nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, tưới nhỏ giọt. Bên cạnh đó, anh Tiền còn trồng các loại hoa để xua đuổi các loại côn trùng gây hại trên nông sản. Trong nhà lưới, anh Tiền áp dụng các kỹ thuật keo dán thu hút, dẫn dụ các loại côn trùng gây hại.

Hiện tại, anh đã đầu tư 2 hệ thống nhà màng và nhà lưới với diện tích hơn 3.000m2. Trong đó, trồng hơn 1.200 gốc dưa lưới, hơn 1.000m2 trồng dưa leo và cà chua bi theo hướng VietGAP. Hiện, dưa lưới cho năng suất từ 2 - 3 tấn/1.000m2 và được bán với giá từ 45 ngàn - 50 ngàn đồng/kg cho siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang)...

Bây giờ, nhìn khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng vài chục mét vuông với cơ sở vật chất hiện đại, khang trang trị giá gần trăm triệu đồng, khó ai có thể tin được ông chủ trang trại năm nay mới chỉ 27 tuổi và từng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Theo ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự: “Mô hình của anh Trần Thanh Tiền được tỉnh và huyện đánh giá cao không chỉ về yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phù hợp với quy hoạch vùng trồng rau màu ở cù lao. Đây là cách sản xuất mới phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Thời gian tới, từ kinh phí khuyến nông năm 2018, huyện sẽ hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích sản xuất theo hướng nhà màng khoảng 500m2. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, cán bộ ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên xuống địa bàn hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức hội thảo đầu bờ, hội thảo tổng kết... nhằm mang lại hiệu quả cao nhất”.

Mỹ Lý

Báo Đồng Tháp

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả