Tìm Hiểu Và Phòng Trừ Sâu Bệnh Thường Gặp Trên Cây Bơ
A. Tìm hiểu về sâu bệnh trên cây bơ
Cây bơ vốn là cây nhiệt đới thích nghi với khí hậu nóng ẩm, tuy nhiên một số giống cũng có khả năng thích nghi với khí hậu khô và lạnh của vùng ôn đới. Sâu bệnh chủ yếu do các yếu tố trực tiếp như: Nấm – Côn trùng – Vi khuẩn, nhưng cũng có thể do thời tiết và giống. Giống nào thích nghi rộng, khả năng sinh trưởng mạnh mẽ thì khả năng kháng bệnh và phục hồi sau bệnh cũng tốt hơn. Ở Việt Nam một số giống bơ đã cho thấy sự phù hợp về thổ nhưỡng và khí hâu có thể kể đến như sau
Giống bơ có xuất xứ trong nước:
- Bơ trái dài 034, bơ Cuba M3, bơ Tứ Quý, bơ TA21, bơ Thành Bích, bơ Mã Dưỡng…
- Giống bơ có xuất xứ nước ngoài: bơ Booth 7, bơ Hass, bơ Reed, bơ Pinkerton…
Trên cây bơ các loại sâu bệnh chủ yếu gồm những loại cụ thể sau
- Sâu cuốn lá, sâu ăn lá
- Bọ cánh cứng ăn lá
- Sâu đục thân đục cành
- Rệp sáp ký sinh thân cành rễ
- Rầy mềm, rầy vảy hại lá và chồi non
- Bọ xít muỗi, bọ trĩ chích hút nhựa cây
- Tuyến trùng hại rễ
- Bệnh nấm rễ, lở cổ rễ
- Bệnh nứt thân xì mủ
- Bệnh khô cành
- Bệnh nấm lá, cháy lá, đốm lá
- Các bệnh về quả (côn trùng – nấm)
- Bệnh do vi khuẩn – virus
- Các loại cây ký sinh
B. Chi tiết cách phòng trừ đối với từng loại sâu bệnh
Ở phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược về tác nhân và cách phòng trừ đối với từng loại sâu bệnh kể trên, đối với thuốc để xử lý bệnh, chúng tôi sẽ chỉ liệt kê các hoạt chất nên sử dụng, không giới thiệu nhãn thuốc, tùy từng địa phương và khả năng tài chính mà bà con lựa chọn nhãn thuốc phù hợp với mình
1. Sâu cuốn lá sâu ăn lá cây bơ
Có nhiều dạng sâu ăn lá bơ, nhưng ở Việt Nam chủ yếu có 3 loại: sâu róm đỏ (Cricula trifenestrata), sâu xanh cuốn lá (Delias aglaia), sâu xanh ăn lá (Fentonia sp). Trong đó sâu róm đỏ là loại gây hại mạnh nhất. Có thể phát triển thành dịch nếu không có biện pháp chủ động phòng trừ. Chúng thường gây hại từ khoảng giữa mùa hè đến cuối mùa thu. Một đàn sâu róm đỏ có thể ăn trụi lá 1 cây bơ trưởng thành chỉ trong 5-10 ngày. Khi mất lá cây sẽ giảm sức sinh trưởng do không thể quang hợp, cây nhỏ có thể suy kiệt và chết.
Cách phòng trừ: Phun phòng vào giai đoạn sâu bắt đầu đẻ trứng (mùa hè mùa thu) và phun trị khi cây bắt đầu xuất hiện sâu non. Nên sử dụng các thuốc chứa hoạt chất: Thiamethoxam, Carbosulfan, Permethrin, Cypermethrin… Phun vào chiều mát hoặc sáng sớm, mỗi lần phun 2 đợt cách nhau 7-10 ngày để tăng hiệu quả, giảm hiện tượng kháng thuốc, lờn thuốc.
Sâu róm đỏ ăn lá cây bơ
2. Bọ cánh cứng ăn lá bơ
Bọ cánh cứng ăn lá trên cây bơ hầu hết thuộc nhóm Adoretus, có đến hàng trăm loại, nhưng hầu hết là loại Adoretus ictericus và Adoretus sinicus. Thường gây hại vào ban đêm từ 19h trở đi, ban ngày chúng ẩn nấp ở dưới đất, hốc cây, cỏ rác… ban đêm sẽ lên ăn các lá già sau đó chuyển qua lá non và cành non. Thường gặp nhất là trên các cây nhỏ mới trồng từ 2 năm trở xuống. Khi ăn lá chúng làm cho cây giảm quang hợp, chậm phát triển, nếu cây đang ra bông, ra chồi chúng có thể ăn cụt ngọn, mất bông giảm năng suất.
Cách phòng trừ: Đối với loại này, nên sử dụng các loại thuốc lưu dẫn 2 chiều, thẩm thấu vào mạch lá mô thực vật, sẽ cho hiệu quả tốt hơn, các loại thuốc trừ sâu tiếp xúc thì phải phun trực tiếp lên bọ mới có hiệu quả. Một số hoạt chất phù hợp: Thiamethoxam, Carbosulfan, Chlorantraniliprole… Nên phun vào cuối buổi chiều, kết hợp thêm các loại chất bám dính để tăng hiệu quả.
3. Sâu đục thân mọt đục cành cây bơ
Sâu đục thân là ấu trùng của một loại bọ cánh cứng thuộc họ xén tóc (còn gọi là sâu Bore), có hình dáng giống con sâu nên thường được gọi là sâu đục thân. Còn mọt đục cành thì bao gồm cả con trưởng thành và ấu trùng của chúng thường là loại bọ cánh cứng có tên khoa học Xyleborus sp.-Scotylidae. Sâu đục thân thường gây hại trên thân chính, cành lớn, trong khi đó mọt đục cành thường gây hại trên những cành nhỏ hơn, cỡ ngón tay trở xuống. Khi tấn công chúng thường đục một lỗ trên thân cây rồi đào dần vào lõi, chỗ vết đục thường có mủ đen xì ra, có nấm trắng xuất hiện kèm theo bột mịn giống mùn cưa. Thời điểm gây hại thường từ tháng 4 – tháng 8.
Khi cây bị đục thân, đục cành, phần từ vết đục thường trở sẽ khô héo và chết dần, sau đó gãy đổ. Ngoài làm giảm năng suất, giảm sinh trưởng, thì đây còn là nơi lý tưởng để các loại nấm bệnh khác tấn công.
Cách phòng trừ: Dọn sạch vườn tược, tạo độ thông thoáng cao. Vào cuối mùa khô và trong mùa mưa, nên phun phòng 2 3 đợt thuốc trừ sâu lưu dẫn (Thiamethoxam, Carbosulfan…) phối hợp với thuốc trừ sâu tiếp xúc (Permethrin, Cypermethrin…) . Phun lên lá, cành, thân và những vị trí nghi ngờ có trứng và ấu trùng. Trường hợp mới phát hiện, cành còn tươi xanh, thì dùng thuốc sâu bơm vào lỗ đục, dùng vôi bịt miệng lỗ để tiêu diệt ấu trùng và ổ của chúng phía bên trong.
Ấu trùng xén tóc hại cây bơ
4. Rệp sáp ký sinh hại cây bơ
Có đến 4-5 loại rệp sáp gây hại trên cây bơ, đặc điểm chung của chúng là thường tiết ra một loại bột màu trắng phủ trên thân và các vị trí chúng làm tổ, về sau sẽ xuất hiện thêm nấm muội đen bao trùm toàn bộ cây. Chúng thường sống cộng sinh với các loại kiến làm tổ ở phần gốc cây. Khi rệp sáp phát triển mạnh, cây sẽ giảm sinh trưởng và suy kiệt do không thể quang hợp, đọt not bị hút nhựa làm cho biến dạng, khô đọt… Ngoài ra chúng còn làm tổ ở rễ cây gây ra nấm bệnh khó kiểm soát. Thời điểm gây hại quanh năm nhưng tập trung nhiều vào cuối mùa mưa, và trong suốt mùa khô. Khi thời tiết ấm và khô.
Cách phòng trừ: Dùng các thuốc đặc trị, có tính bám dính và thẩm thấu cao để phun trực tiếp lên rệp sáp hoặc phun phòng. Khi phun phải phun toàn bộ cây, bao gồm mặt dưới lá, cành, thân kết hợp đổ gốc… Một số hoạt chất hiệu quả với rệp sáp là Carbosulfan, Buprofezin,…
Rệp sáp gây hại trên cây bơ
5. Rầy mềm, rầy vảy hại cây bơ
Thường tập trung ở đọt non, lá non (dưới mặt lá) sinh sống thành cụm, chích hút nhựa cây làm phát sinh đốm lá, khô đọt, khi cây đang mang quả non thì làm rụng quả, biến dạng quả giảm giá trị thương phẩm. Những cây bơ trồng xen với cà phê, ca cao… thường rất dễ phát sinh những loại rầy này. Thời điểm gây hại thường là vào giai đoạn chuyển mùa, nhất là trong những đợt cây ra chồi mới.
Cách phòng trừ: Phun phòng vào thời điểm rầy bắt đầu xuất hiện, nên dùng các thuốc lưu dẫn 2 chiều (Thiamethoxam, Carbosulfan…), kết hợp với thuốc trừ sâu tiếp xúc, xông hơi (Permethrin, Cypermethrin…). Phun mỗi đợt 2 lần, cách nhau 7-10 ngày. Nên phun vào buổi chiều mát hoặc sáng sớm, phun đẫm 2 mặt lá. Ngoài ra cũng cần phải dọn sạch vườn tược, tạo độ thông thoáng cao. Thường xuyên thăm vườn để phát hiện và xử lý kịp thời.
Rầy mềm thường tập trung ở đọt non, dưới mặt lá bơ non.
6. Bọ xít muỗi – bọ trĩ chích hút đọt non cây bơ
Lá non, đọt non thường nơi lý tưởng để các loại chích hút (bọ trĩ, bọ xít muỗi…) tập trung tấn công, chúng có thể gây hại quanh năm, nhất là những đợt đi chồi của cây. Đặc biệt bọ xít muỗi có cánh nên thường di chuyển qua lại giữa các cây, gây hại khó kiểm soát. Đối với cây con thì làm giảm sinh trưởng do mất ngọn, cây lớn có thể giảm năng suất do hư bông, rụng trái, biến dạng trái…
Cách phòng trừ: Ưu tiên dùng các loại thuốc lưu dẫn 2 chiều (Thiamethoxam, Carbosulfan, Chlorantraniliprole…) để phun phòng khi cây đang đi đọt và phun trị khi thấy dấu hiệu bị chích hút tấn công (trên đọt và lá non có những vết thâm nhỏ). Phun khi trời mát (sáng sớm, chiều tối) mỗi lần phun 2 đợt cách nhau 7-10 ngày để giảm tình trạng kháng thuốc, lờn thuốc hoặc thuốc bị rửa trôi, bay hơi dẫn đến mất tác dụng.
Bọ xít muỗi chích hút thường hay chích hút trên lá non, đọt non của bơ
7. Tuyến trùng hại rễ cây bơ
Thường ít gặp nhưng không hiếm. Do tuyến trùng là loại sinh vật luôn có sẵn trong đất, ký sinh và làm tổ trên rễ của bất kỳ loại thực vật nào. Khi tấn công chúng làm cho rễ biến dạng, phồng lên, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng từ đất, đồng thời là nơi để nấm bệnh tấn công cây. Cây giảm sinh trưởng và bắt đầu suy kiệt.
Cách phòng trừ: Nên có thảm thực vật nền (cỏ) ở giữa các hàng để chia sẻ áp lực tuyến trùng đối với cây trồng, đồng thời chủ động trị tuyến trùng bằng các loại thuốc hóa học (Carbosulfan, Abamectin,…) xử lý 2 lần vào đầu mùa mưa khi độ ẩm đất tăng lên. Sau khi xử lý lần đầu thì biện pháp lâu dài là chuyển qua các loại thuốc sinh học, nấm đối kháng (Bacillus, Trichoderma…).
8. Bệnh héo rũ do nấm rễ, lở cổ rễ cây bơ
Mùa mưa khi độ ẩm tăng cao, cỏ mọc nhiều là thời điểm lý tưởng để nấm tấn công bộ rễ cây bơ. Các loại nấm gây ra bệnh rễ và lở cổ rễ thường là Phytopthora – Pythium và một số chủng nấm khác. Khi cây bị nấm rễ thì phần gốc sát mặt đất (cổ rễ) và rễ tơ thường bị thâm đen, cây còi cọc, lá vàng úa, lá non thường mềm và rũ nhiều vào buổi trưa. Về lâu dài nếu không xử lý, bộ rễ sẽ hỏng hoàn toàn và cây chết.
Cách phòng trừ: Đầu mùa mưa nên phun các thuốc trị nấm (Mancozeb, Metalaxyl, Hexaconazole, Dimethomorph… thuốc gốc đồng, gốc bạc) phun lên lá, sát gốc và xung quanh gốc (theo hình chiếu của tán lá). Phần gốc nên pha thuốc đậm đặc để quét lên. Mỗi lần xử lý thuốc nên chia thành 2 đợt cách nhau 7-10 ngày. Một năm ít nhất 2 lần xử lý thuốc.
Bệnh héo rễ cây bơ do nấm rễ
9. Bệnh nứt thân xì mủ cây bơ
Thường đi kèm với sâu đục thân, do nấm tấn công vào các vết đục của côn trùng. Lây lan nhanh thông qua hệ thống mạch dẫn. Vết bệnh thường có nhựa đen chảy ra, kèm theo nấm mốc trắng, vỏ cây nứt nẻ biến dạng. Nếu không xử lý dứt điểm cây có thể bị hư một phần (kéo dài theo chiều dọc) hoặc hư toàn bộ vỏ, làm cây suy kiệt dần rồi chết. Nấm gây ra bệnh này thường là Phytopthora – Pythium, Rhizoctonia solani… tương tự như nấm rễ.
Cách phòng trừ: Tương tự như nấm rễ. Nhưng khi phun nên phun toàn bộ thân, cành để diệt mầm bệnh, quét gốc bằng thuốc nấm đậm đặc (Norshield, Ridomil Gold). Trường hợp cây đã bị bệnh, thì dùng dao cạo sạch phần vỏ bị bệnh rồi mới quét thuốc, thông thường một thời gian sau vỏ sẽ liền lại từ từ.
Bệnh nứt thân xì mủ cây bơ
10. Bệnh khô cành cây bơ
Tác nhân gây bệnh là chủng nấm Verticillium albo atrum gây ra, bào tử nấm sau khi thâm nhập sẽ di chuyển và phát triển dọc theo mạch gỗ, làm thâm đen thớ gỗ, mô thực vật, chất dinh dưỡng không thể đến để nuôi các phần bên trên, một thời gian sau phần đó sẽ khô héo và chết. Nấm có thể lây lan nếu không có biện pháp xử lý kịp thời
Cách phòng trừ: Dọn thông thoáng vườn tược, xử lý các tác nhân gián tiếp giúp nấm thâm nhập (côn trùng chích hút, sâu đục thân, mọt đục cành). Cưa bỏ cành bệnh mang đi tiêu hủy, ở vết cưa nên quét thuốc trị nấm (pha đậm đặc) phun thuốc nấm lên các phần còn lại của cây, ưu tiên những loại có phổ rộng và tính lưu dẫn (Metalaxyl, Hexaconazole, Dimethomorph…)
Bệnh khô cành trên cây bơ
11. Bệnh nấm lá, đốm lá, cháy lá cây bơ
Kèm theo nấm bệnh trên thân và quả, thì lá cây cũng là phần rất nhạy cảm, do thường bị côn trùng tấn công và các mô thực vật tập trung nhiều. Có nhiều dạng bệnh trên lá nhưng thường thấy nhất là cháy bìa lá (Rhizoctonia solani), đốm lá (Cercospora nicotianea), rỉ sắt (Hemileia vastatrix B & Br), thán thư (Colletotrichum gloeosporioides)… Nhẹ thì lá đó sẽ hỏng và rụng, nặng hơn có thể lây lan lá khác, cành và quả. Làm giảm sinh trưởng, giảm năng suất, suy kiệt cây…
Cách phòng trừ: Khi độ ẩm tăng cao, cần phun kết hợp các loại thuốc nấm lưu dẫn và tiếp xúc phổ rộng (Mancozeb, Metalaxyl, Hexaconazole, Dimethomorph, thuốc gốc đồng, thuốc gốc bạc…) phun ướt đều 2 mặt lá, chia thành 2 đợt cách nhau 7-10 ngày để gia tăng hiệu quả, tránh tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc… Ngoài ra nên tiêu hủy những lá bệnh, dọn vườn tược thông thoáng, sao cho vị trí nào cũng được chiếu sáng hợp lý.
Bơ bị nấm lá
12. Các bệnh gây hại trên quả bơ
Thường là do nấm và các loại côn trùng chích hút. Hoặc cả 2 nguyên nhân đồng thời. Một số bệnh hại phổ biến là ghẻ quả, rụng quả non, quả bị chích hút làm biến dạng, thối cuống quả, nứt quả, sâu ăn quả… Ngoài ra cũng có thể do thiếu dinh dưỡng, mất cân bằng dinh dưỡng cũng làm ảnh hưởng tới quả. Quả sau khi thu hoạch bảo quản không tốt cũng có thể là nguyên nhân
Cách phòng trừ: Chủ động phun thuốc trị nấm, trị côn trùng khi quả mới đậu (kích thước 2cm trở lên) phun vào lúc mát trời, sau đó sử dụng túi bọc quả chuyên dụng để bọc và duy trì cho đến thời điểm thu hoạch, những chùm quả quá dày cũng nên tỉa bớt, tránh va chạm vật lý. Bổ sung thêm vi lượng cần thiết như Canxi, Boron, Kẽm để hạn chế rụng quả. Cân bằng dinh dưỡng để tăng chất lượng cơm (thịt quả) giảm tỷ lệ nứt quả, rụng quả sinh lý. Nhất là kali trong suốt quá trình cây nuôi quả.
Một số bệnh hại phổ biến trên trái bơ
13. Các bệnh hại do vi khuẩn vi rút trên cây bơ
Ngoài nấm và côn trùng thì vi rút – vi khuẩn cũng là tác nhân gây ra một số bệnh trên cây bơ như: rối loạn sinh trưởng, xoăn ngọn, rụt ngọn, đốm lá, ghẻ quả… Thường tấn công đồng thời với nấm và côn trùng chích hút, để phòng trừ bệnh do vi khuẩn vi rút, bà con có thể sử dụng Aliette, Bordeaux (boóc-đô), Agriphos, thuốc gốc đồng – kẽm – bạc… để phun và đổ gốc.
14. Một số cây ký sinh trên cây bơ
Chủ yếu là cây tầm gửi (Loranthaceae) hạt có chất nhày, độ bám dính rất cao, được chim chóc ăn và phát tán ra môi trường. Khi bám vào vị trí nào thì một thời gian sau sẽ nảy mầm, đâm rễ vào cây chủ, sử dụng dinh dưỡng từ cây chủ để phát triển. Trên cây bơ tầm gửi thường mọc trên những cành cao gần ngọn, cạnh tranh dinh dưỡng, gây suy kiệt cây nếu không loại bỏ sớm. Ngoài tầm gửi thì ít gặp hơn là cây tơ hồng, đây cũng là loại cây ký sinh cần loại bỏ.
Cách phòng trừ: Thường xuyên thăm vườn, quan sát và loại bỏ sớm khi tầm gửi còn nhỏ, cưa bỏ cành bị ký sinh nếu tầm gửi đã lớn. Vết cưa nên quét keo liền sẹo hoặc thuốc nấm đậm đặc để hạn chế nấm bệnh xâm nhập.
Tầm gửi ký sinh trên cây bơ
C. Tổng kết sâu bệnh hại trên cây bơ
Như vậy, chúng ta vừa điểm qua một số sâu bệnh trên cây bơ thường gặp nhất. Hy vọng với những thông tin này, bà con đã cơ bản nắm được cách xử lý cũng như phòng trừ, từ đó xây dựng được quy trình chăm sóc cây bơ hoàn chỉnh. Xin hãy ghi nhớ nguyên tắc “phòng bệnh hơn trị bệnh” chủ động ngăn chặn mầm bệnh, sâu hại… thì cây mới khỏe mạnh. Chữa trị thì thường tốn kém, hiệu quả không cao, vừa giảm năng suất vừa thiệt hại kinh tế
Đối với việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, nên có đầy đủ đồ bảo hộ lao động (khẩu trang, kính, quần áo kín). Nên chủ động chia thành từng đợt, mỗi đợt ít nhất 2 lần phun, thay đổi xen kẽ giữa các hoạt chất để tránh tình trạng kháng thuốc. Việc phối trộn thuốc có thể giúp giảm nhân công, nhưng phải đảm bảo có sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông hoặc đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật uy tín, nhiều kinh nghiệm
Việc chọn giống bơ cũng quyết định ít nhiều đến tình trạng sâu bệnh, nên chọn cây giống khỏe mạnh, không có mầm bệnh. Giống phải thuộc các giống đã thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam, đã có thời gian kiểm chứng và khảo nghiệm kéo dài.
Bài viết được biên tập và sử dụng nguồn từ website https://vuacaygiong.com/ - Chuyên sản xuất, cung cấp sỉ và lẻ sản phẩm cây giống, hạt giống cây trồng chất lượng cao, chuẩn giống, có bảo hành.
Đối với một số giống bơ đề cập bên trên, nếu có nhu cầu mua cây giống, bà con có thể liên hệ với vườn ươm Tiến Đạt Ban Mê theo địa sau:
Vườn Ươm Cây Giống Tiến Đạt Ban Mê
Địa chỉ: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Cửa hàng: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0944 333 855 – 0967 333 855