Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Lúa

I. CHỌN GIỐNG VÀ XỬ LÝ GIÔNG

1. Chọn giống

Sử dụng giống khỏe, giống xác nhận, chống chịu sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, ngâm ủ hạt giống lúa đều rễ để có cây khỏe ngay từ ban đầu.

Cơ cấu giống lúa khuyến cáo: VNĐ 95-20 kháng rầy, ít nhiễm đạo ôn, chiụ phèn; IR 64 (OM 89) kháng rầy nâu, rất kháng đạo ôn, hơi nhiễm khô vằn; OM 4900 hơi kháng rầy nâu và đạo ôn, dẻo thơm nhẹ; OM 6162 hơi kháng rầy nâu và đạo ôn, thơm nhẹ; AS 996 chịu phèn tốt, cứng cây; VNĐ 99-3 hơi kháng rầy nâu, ít nhiễm đốm vằn, nhiễm nhẹ đạo ôn và chịu phèn, chịu hạn rất tốt ...

2. Xử lý hạt giống

Khuyến khích xử lý hạt giống nhằm hạn chế mầm bệnh bằng một trong những biện pháp sau:

- Xử lý với dung dịch nước muối: làm sạch hạt lúa trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt trong nước muối 15% trong thời gian 5-10 phút, loại  bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp.

 - Xử lý hạt giống với nước nóng 54o C (3 sôi 2 lạnh): góp phần phá miên trạng và diệt mầm bệnh bám trên hạt lúa.

 - Xử lý phá miên trạng bằng axít nitric nồng độ 5%o

II. KỸ THUẬT CANH TÁC

1. Chuẩn bị đất

          Sau khi thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư rơm rạ, bón vôi, cày lật đất sau đó ngâm ruộng ít nhất 20 ngày mới sạ lại, nơi có điều kiện nên cày đất phơi ải. Trước khi gieo sạ cần cày trục lại kỹ, san bằng mặt ruộng, làm mương quanh ruộng để thoát phèn đồng thời để ốc bươu vàng tập trung xuống, dễ tiêu diệt

2. Thời vụ và mật độ gieo cấy

          Thời vụ cấy: gieo cấy vào thời vụ thích hợp, tập trung, đồng loạt, "né rầy", nhanh gọn.

          Mật độ gieo: mật độ gieo sạ phù hợp từng giống, từng loại đất, từng vùng. Không gieo sạ quá dày trên 120 kg/ha, sâu bệnh dễ phát sinh gây hại; tốt nhất nên áp dụng phương pháp sạ hàng

3. Bón phân

          Sử dụng phân bón hợp lý: tùy theo loại đất để bón phân cân đối đạm, lân, kali. Bón phân hữu cơ và phân lân lót hoặc thúc sớm, bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa. Phun thêm phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao nhằm tăng sức đề kháng của cây.

          Tùy theo thời vụ và loại đất lượng phân bón cho 1 ha lúa như sau:

N (kg/ha)

 P2O5 (kg/ha)

K2O (kg/ha)

80 - 100

50 - 60

50 - 60

                    (Lượng N, P2O5, K2O là nguyên chất)

Có thể chia ra làm các đợt bón phân như sau:

- Bón lót: bón trước khi gieo sạ. Bón 8 - 10 tấn/ha phân hữu cơ và toàn bộ phân lân.

- Đợt 1: 7 - 10 ngày sau sạ (NSS).

          Bón 20% urê + 20% kali

          Chú ý: phải đưa nước vào ngập ruộng 5cm trước khi bón phân.

 - Đợt 2: 18 - 22 NSS.

          Bón 40% urê + 30% kali

          Lưu ý: bón vá áo vào những chỗ xấu để điều chỉnh độ đồng đều của ruộng lúa.

          Bón bổ sung chế phẩm kích thích sinh trưởng ở nơi có mật độ sạ thấp hoặc giống nẩy chồi kém để gia tăng số chồi hữu hiệu.

 - Đợt 3: Bón phân đón đòng

          Sau khi rút nước giữa vụ (30 - 40 NSS), để lúa vàng 2/3 đám ruộng, cho nước vào và bón phân đợt 3.

          Bón 30% urê + 40% kali.

          Lưu ý: lá còn xanh không nên bón phân. Giữ nước trong ruộng đến khi lúa chín sáp nhằm tránh hạt lúa bị lép.

 - Đợt 4: 55 - 72 NSS

          Bón 10% urê + 10% kali

          Cần giữ mực nước trong ruộng (cao 3-5cm) liên tục trong vòng khoảng 10 ngày để đủ nước cho cây lúa trổ và thụ phấn thụ tinh, giúp hạt lúa không bị lép lửng.

4. Quản lý nước

          Điều chỉnh mực nước thích hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, không để ruộng ngập úng hoặc bị khô hạn.

5. Phòng trừ cỏ dại hại lúa

Áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp để đạt được kết quả cao

- Chọn giống xác nhận, giống ít lẫn cỏ dại để gieo trồng.

- Cày vùi lấp toàn bộ cỏ, bừa trục kỹ mới gieo sạ lúa. Đưa nước vào ruộng ngập khoảng 5cm để ém cỏ.

 - Kết hợp dặm tỉa lúa và nhổ cỏ, cắt các bông cỏ còn sót trên ruộng trước khi cỏ kết hạt và rơi rụng.

 - Sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Acetochlor và Bensulfuron Metyl, Pretilachlor, Butachlor. Liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc.

TƯ VẪN KỸ THUẬT: 0986.961.117

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận