Những Loại Sâu Bệnh Gây Hại Trên Lúa Phổ Biến Và Cách Phòng Trừ Hiệu Quả Nhất

Các loại sâu bệnh hại lúa 

Cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa

I. SÂU HẠI LÚA

1. Rầy nâu (Nilaparvata lugens)

a) Nhận dạng

- Rầy nâu trưởng thành màu nâu, dài 3-5 mm cánh trong suốt. Rầy cái to hơn rầy đực. Rầy trưởng thành có 2 dạng: dạng cánh dài che hết bụng và dạng cánh ngắn không che hết bụng.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

- Rầy nâu sống tập trung ở gốc lúa, bám quanh bẹ lúa nơi gần mặt nước, mật số cao có thể bám lên lá. Rầy trưởng thành dạng cánh ngắn không bay được, dạng cánh dài có thể bay rất xa và thích vào đèn ban đêm.

- Rầy nâu còn là tác nhân lây truyền bệnh lúa cỏ, vàng lùn (lúa cỏ dòng 2), lùn xoắn lá là những bệnh rất nguy hiểm đối với cây lúa.

c) Biện pháp quản lý

- Dùng giống kháng rầy.

- Không sạ cấy quá dày trên 120 kg lúa giống/ha. Bón cân đối đạm, lân, kali,      không bón phân  đạm nhiều và muộn.

- Hạn chế dùng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch của rầy như bọ xít nước, bọ xít mù xanh, bọ rùa, nhện... Nếu mật độ rầy cao thì diệt rầy bằng cách:

Dùng dầu nhớt rải xuống nước, quậy cho dầu loang đều xong kéo, khua cho rầy rơi xuống  nước hoặc tát nước lên gốc lúa (áp dụng diện hẹp).

Vụ Hè Thu và Mùa, có thể phun Nấm xanh (Metarhizium anisoplae) để hạn chế mật số rầy gia tăng

Khi thấy rầy trưởng thành nhiều, tháo cạn nưóc 3 - 4 ngày cho rầy đẻ trứng ở bẹ lá lúa sau đó cho nước vào để làm thối trứng.

- Dùng thuốc hóa học khi không thể áp dụng các biện pháp trên và khi thiên địch không đủ sức khống chế rầy. Dùng các loại thuốc đặc trị rầy:  Buprofezin +        Imidacloprid (Map Spin 350 WP); Buprofezin (Map-Judo 25WP, Applaud 10WP,      25SC); Fenobucarb (Bascide 50EC, Hoppecin 50EC); Imidacloprid (Admire200OD,  Sectox100WP); Thiamethoxam+Chlorantraniliprole (Virtako 40WG )…

Phun thuốc trừ rầy phải theo nguyên tắc “4 đúng”, cụ thể là:

* Đúng thuốc: sử dụng các loại thuốc có tác dụng diệt rầy và có ghi trên nhãn thuốc.

* Đúng nồng độ và liều lượng nước thuốc: pha đúng nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn từng lọai thuốc, sử dụng đủ lượng nước thuốc cần phun (500-600 lít/ha).

* Đúng lúc: phun rầy ở tuổi 2-3.

* Đúng cách: do rầy bám ở gốc lúa sát mặt nước, vì vậy trước khi phun thuốc lấy nước vào ruộng cho rầy di chuyển lên trên, hướng vòi phun vào dưới tán lá, phun kỹ vào gốc lúa.

Chú ý: khi có dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá thì phun trừ triệt để rầy cánh dài di trú khi lúa dưới 20 ngày tuổi

2. Sâu đục thân lúa 2 chấm (Schoenobius incertulas)

a) Nhận dạng

Sâu đục thân có nhiều loài, mỗi loài có hình dạng, màu sắc của trứng, sâu, nhộng, bướm khác nhau. Tuy nhiên trên đồng ruộng ở Đồng Nai, phổ biến nhất là sâu đục thân bướm 2 chấm.

- Bướm sâu đục thân 2 chấm có cánh màu vàng lợt, trên mỗi cánh trước có 1 chấm đen ở giữa.

- Ổ trứng hình nửa hạt đậu thường được đẻ trên lá lúa có một lớp lông tơ che phủ. Mỗi ổ trứng có 30 – 100 trứng.

 - Sâu non tuổi nhỏ màu trắng sữa, lớn màu vàng lợt sống trong thân lúa.

- Nhộng màu vàng trong thân cây gần gốc lúa.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

- Bướm ban ngày ẩn nấp trong khóm lúa, lùm cỏ, hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích ánh sáng đèn                 

- Sâu non mới nở di chuyển xuống dưới thân lúa đục qua bẹ vào thân lúa rồi xuống gốc cây lúa. Bị hại ở giai đoạn đẻ nhánh, cây lúa dễ bị gãy, đọt lúa bị héo khô có thể rút ra dễ dàng. Nếu lúa đã trổ, sâu cắn đứt thân làm cho bông lúa bị héo khô, bạc trắng gọi là bông bạc.  

- Vòng đời 45-60 ngày, thời gian sâu non 30 -40 ngày

c) Biện pháp quản lý

- Sau mỗi vụ nên cày vùi gốc rạ để diệt nhộng.

- Ngắt bỏ ổ trứng.

- Bón phân cân đối tránh dư đạm.

- Thường cây lúa có khả năng bù đắp lớn khi bị sâu đục thân gây hại bằng cách là ở giai đoạn đẻ nhánh thì ra nhánh mới, ở giai đoạn đang trổ khi một số chồi bị hại thì dinh dưỡng sẽ tập trung vào những chồi còn lại.

 - Khi mật độ bướm và sâu non quá cao mới dùng thuốc diệt trừ. Các loại thuốc sử dụng phun hoặc rải như Acephate ( Mace 75 SP); Cartap (Badannong 10G, Gà nòi 4G, Padan 4G); Fipronil (Regent 0.3G, Regrant 800WG, Phironin 50SC, Cyroma 5SC); Diazinon (Vibasu 40ND, Diaphos 10G, Diazan 10H); Bacillus thurigiensis.var 7216 (Amatic 1010bt/ml SC); Bacillus thuringiensis var. aizawai 32000IU (16000 IU) + Beauveria bassiana 1 x 107 bào tử/g + Nosema sp (Cộng hợp 16BTN); Matrine ( Wotac 5EC, Aphophis 5EC).

3. Sâu cuốn lá nhỏ (Cnaphalocrosis medinalis )

a) Nhận dạng

- Bướm màu vàng nâu, mỗi cánh trước có 2 đường vằn ngang.

- Trứng màu trắng trong dạng bầu dục, đẻ rải rác trên mặt lá gần gân chính.

- Sâu màu xanh lá mạ ửng vàng lợt, khi động đến thì búng mạnh và nhả tơ.

- Nhộng màu nâu sậm.  

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bướm thích đẻ trứng ở nơi lá xanh đậm, nơi bóng mát. Sâu non nhả tơ cuốn lá lúa lại sống bên trong gặm ăn chất xanh để lại biểu bì trắng, sau đó chuyển sang lá khác tiếp tục gây hại.

Vòng đời 30-35 ngày, thời gian sâu non 20-25 ngày

Lá lúa bị sâu cuốn lá gây hại

c) Biện pháp quản lý

- Vụ Đông xuân sâu cuốn lá thường phát sinh mạnh nên sạ cấy mật độ vừa phải, giảm phân đạm.

- Hạn chế dùng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch (rất nhiều loài). Trồng những cây có hoa trần trên bờ ruộng để thu hút thiên địch như sao nháy, xuyến chi, ...

- Cây lúa có khả năng bù đắp rất lớn vì với khoảng < 50% diện tích lá bị hại ở các giai đoạn không làm giảm hoặc giảm rất ít năng suất nếu cây được chăm sóc tốt sau đó. Khi mật độ sâu non quá cao hoặc bướm nhiều phải phun thuốc thì trước khi phun nên lấy que quơ cho bao lá bung ra để thuốc dễ tiếp xúc với sâu. Có thể dùng các loại thuốc: Fipronil ( Lexus 5SC); Permethrin ( Map-Pemethrin 10 EC,50EC); Alpha Cypermethrin (Alpha 5EC); Abamectin (Abatin 1.8EC, Abvertin 3.6EC); Cypermethrin (Cyper 25EC, Cymerin 5EC, Cypermap 10EC, SecSaigon 5EC, Sherpa 10EC); Matrine (Wotac 5EC, Aphophis 5EC), Chlorantraniliprole (DuPont Prevathon 35WG). Nên phun thuốc vào buổi chiều tối.

4. Sâu phao (Nymphula depunctalis)

a) Nhận dạng

Bướm nhỏ màu trắng, cánh trước có nhiều chấm nhỏ màu nâu lợt hoặc đen.

- Trứng tròn hơi dẹp được đẻ trên bẹ lá hoặc phiến lá gần mặt nước.

- Sâu mới nở màu trắng, thân có nhiều lông tơ khi lớn chuyển màu vàng xanh.

- Nhộng màu nâu nằm trong ống phao thường bám vào gốc lúa.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Sâu phao chỉ xuất hiện ở giai đoạn mạ và lúa non, thường hại ở chân ruộng trũng. Sâu non ăn gặm chất xanh chừa lại biểu bì màu trắng.

 Sâu cuốn lá thành ống, cắn đứt ngang rơi xuống nước thành cái phao nổi, di chuyển đến cây lúa khác tiếp tục cắn phá.

Vòng đời 30-35 ngày, thời gian sâu non 20-25 ngày.                                                       

c) Biện pháp quản lý

- Dùng rổ vớt phao nơi cuối gió, sâu thường tập trung nhiều.

-  Rút cạn nước để hạn chế sâu di chuyển.

- Chăm sóc bón thêm phân để tăng cường khả năng đền bù của cây lúa.

- Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết. Dùng Abamectin (Abavec super 1.8EC, Tungatin 1.8EC); Deltamethrin (Meta 2.5EC, Videci 2.5ND)…

5. Bù lạch (bọ trĩ) (Baliothrips biformis, Thrips oryzae)

a) Nhận dạng

-  Bù lạch rất nhỏ, dài 1-2 mm. Con trưởng thành màu nâu hoặc đen, ấu trùng màu trắng sữa hoặc vàng lợt.

-  Trứng rất nhỏ đẻ từng quả trên lá non khó thấy.

-  Muốn phát hiện thấm ướt bàn tay rồi gạt ngang trên ngọn  lúa, nếu có bù lạch sẽ dính vào tay.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

- Chỉ xuất hiện ở giai đoạn mạ và lúa non, thường phát triển và gây hại khi ruộng nắng hạn, khô nước. Xuất hiện nhiều trong vụ hè thu, nhất là thời điểm hạn Bà Chằn.

- Trưởng thành và ấu trùng sống tập trung ở đầu lá lúa chích hút nhựa làm đầu lá lúa cuốn lại cháy khô có màu vàng đỏ. Thiệt hại do bù lạch thường đi đôi với thiệt hại do phèn nên  cần phân biệt kỹ để có biện pháp xử lý đúng.

- Vòng đời 15-20 ngày, trưởng thành có thể sống 2-3 tuần..

c) Biện pháp quản lý

- Bù lạch chỉ gây hại ở giai đoạn lúa non là thời kỳ cây lúa có khả năng phục hồi rất mạnh nếu được bón phân sau đó, do vậy không hoặc ít ảnh hưởng  đến năng suất.

- Khi bù lạch xuất hiện nhiều nếu chủ động nước thì lấy nước vào ruộng ngập lúa 24 giờ sau đó rút nước ra.

- Phun các loại thuốc: Fipronil + Thiamethoxam ( Map Silo 200WP); Abamectin (Abakill 3.6EC, Silsau 1.8EC); Alpha – cypermethrin (Alpha 10SC, Anphatox 100SC, Sapen – Alpha 5EC); Cypermethrin (Cypermap 25EC, Cymerin 5EC); Imidacloprid (Admire 050EC,  Admitox 250WP, Gaucho 020FS, Confidor 700WG , Map-Jono 700WDG).

6. Bọ xít hôi (bọ xít dài) (Leptocorisa varicornis, L.acuta)

a) Nhận dạng

- Bọ xít trưởng thành dài 15-20 mm, màu nâu vàng, chân dài, râu dài.

- Trứng hình bầu dục màu nâu đen đẻ thành hàng dọc theo lá lúa, bẹ lúa hoặc bông lúa.

- Bọ xít non nhỏ hơn trưỏng thành màu xanh lá mạ không có cánh.

- Không có giai đoạn nhộng.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bọ xít sợ nắng nên hoạt động mạnh lúc sáng sớm hoặc chiều mát, khi có động con trưởng thành bay nhanh. Bọ xít non và trưởng thành tỏa mùi hôi.

Bọ xít hôi xuất hiện và phá hại vào giai đoạn lúa ngậm sữa và trổ. Trước và sau đó bọ xít sống trên cỏ dại, bờ bụi. Trà lúa sớm và lúa muộn thường bị bọ xít gây hại, khi lúa trổ đại trà thì bọ xít phân tán nên mức hại ít hơn. Bọ xít hại lúa bằng cách dùng vòi chích qua nơi tiếp giáp của 2 vỏ trấu để hút chất sữa bên trong làm hạt lép hoặc lửng. Hạt bị bọ xít chích hút nếu không lép thì hạt gạo cũng dễ bể, phẩm chất giảm.

Vòng đời 25-30 ngày, bọ trưởng thành có thể sống hàng tháng.

c) Biện pháp quản lý

- Diệt lúa chét và cỏ dại vì đó là ký chủ giúp bọ xít sống qua thời gian không có lúa.

- Nên gieo sạ đồng loạt, dùng những giống thời gian sinh trưởng tương đương nhau để khi lúa trổ đồng loạt sẽ giảm được tác hại.

- Dùng bẫy bả, rỉ đường, cá ươn trộn thuốc trừ sâu để diệt bọ xít.

- Thiên địch của bọ xít có ong ký sinh trứng, nhện ăn bọ non, nấm gây bệnh.

- Khi mật độ bọ xít cao dùng thuốc: Chlorpyrifos Methyl (Taron 50EC); Abamectin (Tungatin 1.8EC, Abasuper 1.8EC);  Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC, Tiper-Alpha 5EC, Sapen – Alpha 5EC, Motox 2.5EC, Alphacide 100EC); Beta – Cyfluthrin (Bulldock 025EC); Dimethoate (Arriphos 40EC, Bian 40EC, By 90 40EC, Dimenat  40EC); Cypermethrin (Andril 250 EC, Biperin 50 EC) phun trừ vào sáng sớm hoặc xế chiều.

7. Bọ xít đen (Scotinophora lurida )

a) Nhận dạng

 - Bọ trưởng thành hình gần như lục giác dài 7-8 mm, màu đen hoặc nâu đen.

- Trứng đẻ thành ổ từ 10-15 trứng xếp thành những hàng dọc theo gân lá lúa phía gần mặt nước.

- Bọ non hình dạng giống trưởng thành, không cánh màu nâu vàng,   

không có giai đoạn nhộng.                                       

b) Tập tính sinh sống và cách gây hại

Bọ trưởng thành và bọ non sống tụ tập ở gốc lúa ban ngày, ban đêm di chuyển lên phía trên cây, trưởng thành vào đèn nhiều. Trong mùa khô bọ thường trú ẩn trong kẽ nứt của đất nơi có cỏ, khi thời tiết thích hợp sẽ di chuyển đến ruộng lúa sinh sản và gây hại.

Bọ trưởng thành và bọ non hút nhựa làm bẹ lúa thâm đen. Nếu mật độ bọ cao cây lúa có thể bị héo chết hoặc bị cháy giống như hiện tượng cháy rầy                       

Bọ xít đen có thể gây hại các vụ lúa tuy vậy mật độ và tác hại thường cao trong vụ hè thu, tập trung giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ đến có đòng.

Vòng đời 50-60 ngày.

c) Biện pháp quản lý

- Làm sạch cỏ dại trong ruộng và bờ bao.

- Không gieo sạ dày, bón phân cân đối để ruộng lúa thông thoáng không thuận lợi cho bọ xít phát sinh gây hại.

- Thiên địch của bọ xít đen có ong ký sinh trứng, bọ cánh cứng , bọ ngựa ăn trứng, nấm gây bệnh bọ non

- Khi mật độ cao dùng thuốc như phun bọ xít dài, phun trực tiếp vào gốc lúa.

8. Nhện gié (Oligonycus oryzae)

a) Nhận dạng

- Nhện gié có kích thước rất nhỏ, trên ruộng có thể lầm với những hạt phấn của hoa lúa. Quan sát kỹ thấy nhện màu đỏ có 4 cặp chân và tạo được lớp mạng bằng tơ rất mỏng..                                            

- Trứng rất nhỏ, màu trắng đục, đẻ rải rác trong một quần thể nhện phía trong bẹ lá

 - Nhện non cơ thể nhọn dài và chỉ có 3 cặp chân.                                        

b) Tập tính sinh sống và cách gây hại

Nhện sống tập trung phía trên mặt nước, khi mật độ cao chúng mới bò lên bông lúa. Miệng nhện giống như vòi kim nhỏ chích hút nhựa ở bẹ lá, cuống bông, cuống gié và vỏ hoa lúa trước khi trổ làm bẹ lá.      

có màu nâu thâm, bông lúa trổ ra có nhiều hạt lép hoặc lép cả bông. Một nhện trưởng thành cái đẻ khoảng 50 trứng, những trứng không thụ tinh trở thành con đực. Nhện non nở ra được nhện trưởng thành đực mang theo. Nhện non đẫy sức khoảng 1 ngày  thì trở thành nhện trưởng thành. Vòng đời 10-12 ngày.

c) Biện pháp quản lý

- Cày lật gốc rạ sớm, diệt lúa chét giữa các vụ để hạn chế nguồn nhện lây lan.

Phun thuốc khi phát hiện có một số dảnh mới có triệu chứng bị hại (bẹ lá bị đỏ bã trầu). Dùng thuốc đặc trị nhện: Abamectin (Abatin 1.8EC, Abatimec 3.6EC, Akka 3.6EC, Brightin 4.0EC, Silsau 1.8EC, Tungatin 3.6EC); Emamectin benzoate (Angun 5 WDG, Tungmectin 5EC); Fipronil (Regent 800WG).

II. BỆNH HẠI LÚA

1. Bệnh đạo ôn (bệnh cháy lá, khô cổ bông, cổ gié)

Tác nhân: nấm Pyricularia oryzae

a) Triệu chứng

- Trên lá xuất hiện nhiều đốm bệnh nhỏ bằng đầu kim sau lớn dần có dạng hình thoi màu nâu giữa có màu xám trắng, xung quanh có viền vàng nâu. Trường hợp cấp tính, vết bệnh sẽ kéo dài ra theo chiều dọc lá, các vết bệnh lớn dần liên kết với nhau  làm lá khô hoàn toàn.

- Trên thân bệnh gây hại ở đốt tạo thành những vết màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô teo lại, cây lúa dễ bị gẫy gục.

- Trên cổ bông, cổ gié vết bệnh màu nâu làm cả bông lúa hoặc gíe lúa bị lép trắng hoặc lửng hạt. Vết bệnh cũng có thể xâm nhập lên vỏ hạt lúa.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh có thể gây hại tất cả các giai đoạn từ mạ đến trổ của cây lúa. Bệnh thường phát triển trong điều kiện: giống nhiễm, bón phân đạm nhiều, ruộng khô, trời âm u, lạnh có sưong mù.

c) Biện pháp quản lý

- Dùng giống kháng bệnh cháy lá là biện pháp hiệu quả nhất.

- Sạ thưa hợp lý.

- Bón cân đối đạm, lân, kali, ngưng bón phân đạm, không phun phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi bệnh chớm phát và không để ruộng bị khô.

- Khi bệnh có chiều hướng phát triển thì phun thuốc  Fenoxanil+Tricyclazole (Map Famy 700WP); Azoxystrobin 200g/l + Difenoconazole 125g/l (Amistar top 325SC); Benomyl (Bendazol 50WP); Iprobenfos (Kian 50EC, Vkita 50ND, Kisaigon 50ND); Isoprothiolane (Fuzin 400EC,  Fuan 40EC, Fuji-One 40 EC); Kasugamycin (Kasumin 2L, Saipan 2SL, Tabla 20SL); Tricyclazole (Beam 75WP,  Trizole 75WP, Flash 75WP, Flash 800WDG).

2. Bệnh khô vằn (bệnh đốm vằn)

Tác nhân: nấm Rhizotonia solani.

a) Triệu chứng

Bệnh gây hại chủ yếu trên bẹ lá, trường hợp bệnh nặng có thể phát sinh trên phiến lá và cả bông lúa.

Khởi đầu là những đốm xám xanh ở bẹ lá gần mặt nước. Đốm bệnh lớn dần hình bầu dục hay tròn rồi lan rộng ra có thể đến 2-3 cm hoặc hơn. Rìa vết bệnh có màu nâu, bên trong màu xám, xám xanh hoặc xám vàng. Nhiều vết bệnh liền nhau giống hình da beo.

 Ẩm độ cao trên các vết bệnh có lớp tơ nấm màu trắng, đôi khi có hạch nấm tròn. Bệnh làm ruộng lúa héo khô từng chòm, bông lúa bị lép, lửng.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh gây hại ở tất cả các vụ trong năm, bệnh thường phát sinh trong điều kiện sạ dày, bón quá nhiều đạm và gây hại nặng từ giai đoạn lúa có đòng trở đi.

c) Biện pháp quản lý

- Cày lật đất sớm, bón vôi, ngâm nước một thời gian để diệt nguồn bệnh.

- Sạ cấy mật độ vừa phải. Bón cân đối NPK, chú ý ruộng nào vụ trước đã có bệnh khi bón phân tập trung bón giai đoạn đầu không bón thúc muộn.                                                                           

- Khi ruộng lúa bị bệnh cần giữ mực nước ổn định không bón phân đạm.

- Bệnh phát triển mạnh phải phun thuốc trị bệnh. Dùng thuốc Carbendazim (Glory 50SC); Cyproconazole (Bonanza 100SL) Validamycin (Vali 3DD, Vacin 1.5DD); Hexaconazole  (Anvil 5SC, Vivil 5SC,  Saizole 5SC, Best-Harvest 5SC).

3. Bệnh vàng lá (bệnh vàng lá chín sớm)

a) Triệu chứng

Vết bệnh lúc đầu là một đốm màu xanh đậm dạng giọt dầu sau lớn dần có màu vàng cam và kéo dài lên chóp lá. Các sọc này phát triển dần, làm cho lá lúa có màu vàng cam rồi cháy khô đi.

Đặc điểm để phân biệt bệnh "vàng lá" với các bệnh khác là bên dưới vết vàng luôn có đốm hình bầu dục mầu cam sậm (sậm hơn mầu vàng của vết bệnh bên trên) hoặc xám trắng. Đó là vết tích của vết xâm nhiễm ban đầu, và từ đốm này vết bệnh luôn lan lên phía chóp lá lúa chứ không lan xuống phía dưới.

Bệnh nặng và sớm làm bông lúa bị lép lửng nhiều.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh thường xuất hiện từ giai đoạn lúa có đòng trở đi, bệnh phát triển mạnh trên giống nhiễm, sạ dầy bón nhiều phân đạm, nhất là bón đón  đòng và nuôi đòng quá nhiều

c) Biện pháp quản lý

-  Dùng giống ít nhiễm bệnh. Sạ mật độ vừa phải.

- Bón phân cân đối đạm, lân, kali. Không bón đón đòng và nuôi đòng quá nhiều.

- Phun thuốc khi bệnh xuất hiện nhiều, dùng thuốc Benomyl (Bemyl 50WP, Bendazol 50WP, Viben 50BTN, Plant 50WP) 

Carbendazim (Bavistin 50FL, Carban 50SC, Arin 25SC, Carbenda 50SC).

4. Bệnh cháy bìa lá

Tác nhân: Vi khuẩn Xanthomonas oryzae.

a) Triệu chứng

Bệnh thường gây cháy khô dọc theo bìa của lá. Lúc đầu vết bệnh ở rìa của phiến lá gần chóp lá có màu vàng hoặc xanh xám nhạt dạng như thấm nước, sau đó vết bệnh lan dần vào trong và từ chóp lá xuống dưới.

Vết bệnh ở 1 bên hoặc cả 2 bên của rìa lá. Vết bệnh cũng có thể bắt đầu từ một vết thương ở giữa lá rồi lan dần ra  bìa lá.  

Nếu bị nặng vết bệnh lan dần ra khắp phiến lá và làm cho lá bị cháy khô. Bệnh lan dần từ lá dưới lên lá trên. Đặc điểm của bệnh cháy bìa lá là giữa vết cháy khô và phần lá chưa bệnh có ranh giới rất rõ (không có vùng chuyển tiếp). Bệnh thường xuất  hiện từ giai đoạn lúa đứng cái trở về  sau.  Bệnh  làm  giảm  năng suất  đáng  kể  nếu bị nặng trong giai đoạn làm đòng.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh phát triển mạnh ở những vùng có khí hậu nóng, ẩm, mưa gió nhiều, những ruộng có nước ngập tù đọng sạ cấy dầy, bón nhiều phân đạm.

c) Biện pháp quản lý

- Dùng giống lúa chống bệnh. Không gieo sạ dày.

- Bón phân cân đối. Khi ruộng lúa có bệnh ngưng bón đạm, bón tăng cường phân kali.

- Phun thuốc Chlorobromo isocyanuric acid  (Hỏa tiễn 50SP) Kasugamycin (Asana 2L, Kata 2L, K 2SL); Oxolinic acid (starner 20WP, Oka 20WP); Fosetyl Aluminium (Alpine 80WDG) để trị bệnh, phải phun nhiều lần nhất là trong mùa mưa. Nhìn chung, khi vi khuẩn gây bệnh đã xâm nhập vào lá lúa rồi thì rất khó trị và tốn kém (phải phun nhiều lần). Do đó nếu bệnh thường xảy ra thì biện pháp phòng bệnh là hiệu quả nhất.

5. Bệnh lùn xoắn lá

 Tác nhân: do virus

a) Triệu chứng

 - Cây bệnh lùn thấp hơn cây không bệnh, các lá vẫn xanh, gân chính bị sưng, các triệu chứng khác thay đổi theo giai đoạn sinh trưởng của cây. Cây bệnh lúc còn nhỏ, mép lá bị nhăn, lá có thể bị rách, khi cây lúa lớn lá bị xoắn từ chóp lá xuống theo chiều ngược kim đồng hồ, nhiều chồi đâm ra từ đốt thân trên mặt đất. 

- Cây bị nhiễm nặng, lúa hoàn toàn không trổ được có thể mất trắng. Nếu nhiễm nhẹ và muộn có thể trổ nhưng trổ muộn, thường trổ không thoát hết và nhiều hạt lép.

- Virus gây bệnh không lây truyền qua hạt giống, nước, không khí, đất, tác nhân cơ giới mà chỉ được lây truyền qua môi giới là rầy nâu.

Các triệu chứng của bệnh lùn xoắn lá

b) Điều kiện phát sinh phát triển

Trên ruộng lúa bệnh phát sinh sớm hay muộn là do thời gian xuất hiện của rầy mang nguồn bệnh. Số lượng cây bị bệnh nhiều cùng với mật độ rầy cao thì bệnh sẽ phát triển mạnh. Thời tiết và giống lúa thích hợp với rầy nâu cũng là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.

c) Biện pháp quản lý

Bệnh lùn xoắn lá thường phát triển và gây hại nặng sau khi trên địa bàn bị nhiễm rầy nặng. Hiện không có thuốc trị bệnh này. Cách phòng bệnh tốt nhất là quản lý tốt rầy nâu chọn thời vụ gieo sạ “né rầy”, khi ruộng bị bệnh phải tiêu hủy cây bệnh sau đó phòng trừ rầy nâu và phun các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao nhằm tăng sức đề kháng của cây.

6. Bệnh vàng lùn

Tác  nhân: do virus

a) Triệu chứng

Bệnh làm giảm số chồi. Cây bị bệnh lùn hơn cây bình thường, mức độ lùn tùy thuộc thời gian nhiễm bệnh sớm (lùn nhiều) hay muộn (lùn ít). Lá lúa ngả màu vàng cam: trên lá vàng từ chóp vào, trên 1 chồi lúa lá bên dưới vàng trước lan dần lên lá bên trên. Trong một bụi lúa có thể chỉ một vài chồi mắc bệnh. Bệnh nặng làm cho chồi lúa hoặc cả bụi lúa chết rụi.

Virus gây bệnh không lây truyền qua hạt giống, nước, không khí, đất, tác nhân cơ giới mà chỉ được lây truyền qua môi giới là rầy nâu.

b) Điều kiện phát sinh phát triển và phòng chống: như đối với bệnh lùn xoăn lá.

Trường hợp rầy nâu chích hút và lấy cả 2 virus trên vào cơ thể, sau đó chích hút trên cây khỏe sẽ truyền cùng lúc hai bệnh lùn xoắn lá và vàng lùn làm cây lúa có triệu chứng tổng hợp của cả 2 bệnh là: bụi lúa lùn, trong bụi lúa vừa có lá vàng từ chóp lá vào vừa có lá xanh đậm và vặn xoắn.

7. Bệnh lúa cỏ

Tác nhân: Virus

a) Triệu chứng

 Bệnh vàng lùn

Cây bị bệnh rất thấp, đẻ nhiều nhánh như một bụi cỏ, lá ngắn và hẹp màu xanh vàng nhạt. Cây lúa đang phát triển sau khi bị bệnh thì nhỏ lại như cây mạ. Cây bệnh có thể sống đến lớn nhưng không trổ bông, một số cây có thể trổ bông nhưng bông nhỏ nhiều hạt lép. Nếu bị bị nhiễm bệnh muộn năng suất giảm ít hơn.

Bệnh lan truyền do rầy nâu làm môi giới

Điều kiện phát sinh phát triển và phòng chống: như đối với bệnh lùn xoắn lá.

8) Bệnh nghẹt rễ

Bệnh nghẹt rễ còn được gọi là bệnh “lúa đỏ” hoặc lúa bị “ngộ độc” vì chất hữu cơ.

a) Triệu chứng

Thường sau khi sạ hoặc cấy 20 ngày  lúa bắt đầu vàng đỏ, cây lúa lùn và nẩy chồi kém hơn cây lúa khỏe cùng độ tuổi. Trên lá lúa bệnh có rất nhiều vết màu nâu đỏ, nhổ bụi lúa lên sẽ thấy rễ lúa bị thối đen, cây lúa không hút được dinh dưỡng sẽ suy yếu và lụi dần nếu không được cải thiện.

Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh thường xảy ra ở khu vực trũng, đất tích chứa nhiều chất hữu cơ chưa phân hủy hết. Bệnh cũng xảy ra ở các ruộng vừa trục nhận rơm rạ xuống rồi sạ hoặc cấy lúa ngay.

c) Biện pháp khắc phục

- Cày, trục đất xong nên cho nước vào ngâm ruộng ít nhất 20 ngày, xả nước ra hết trước khi sạ cấy. Sau đó lấy nước vào ruộng dần theo yêu cầu sinh trưởng của cây lúa.

- Khi ruộng bị đỏ lá do bị ngộ độc chất hữu cơ phải tháo nước trong ruộng ra hết phơi khô đất vài ngày cho đến khi đất hơi rắn mặt rồi mới lấy nước vào ruộng. Rải thêm phân DAP (3 – 4 kg/1.000m2), phun các loại phân bón lá hữu cơ hoặc có hàm lượng canxi và lân cao giúp cây mau phục hồi cho đến khi cây ra rễ trắng thì bón thêm phân đạm.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận