Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc, Xử Lý Ra Hoa Trái Vụ Mận An Phước

Mận là giống cây ăn trái được trồng nhiều nơi trên thế giới. Ở đô thị, cây mận trồng được trồng khá phổ biến để làm cảnh, lấy bóng râm vì cây có tán lá xum xuê, xanh mướt quanh năm. Hoa, lá có mùi hương thơm dễ chịu. 
Hiện nay, mận có rất nhiều giống cây, trong đó giống mận An Phước hay còn được gọi là mận chuông, là giống có năng suất cao và chất lượng ngon nhất. 

Ưu điểm mận An Phước

 
Mận An Phước là loại mận được nhiều hộ dân ưu tiên trồng để cung cấp ra thị trường do cây mận cho sản lượng mận cao, thời gian thu hoạch nhanh và chất lượng của quả cao, ngon và ngọt. 
- Trái hình quả chuông, màu đỏ-nâu, sọc mờ nhạt, đặc ruột, thịt dẻ và có màu trắng xanh, giòn-ngọt, thơm. 
- Trọng lượng trung bình 100-120 gram/trái. 
- Cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh. 
- Cho trái sau 1,5 năm trồng.
- Thời vụ cho hoa trái tự nhiên từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 5 năm sau, khoảng 3- 4 đợt trái. Nếu được trồng chăm sóc đúng qui trình kỹ thuật mận sẽ cho hoa trái theo ý muốn, bán được giá cao. 
- Quả mận An Phước nhiều nước nên có trọng lượng hơn tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng trọt .

I. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

1. Kỹ thuật trồng:

Khi trồng mận An Phước, bà con cần chú ý 3 kỹ thuật sau để trồng mận cho năng suất cao, chất lượng quả ngon, ngọt.

a. Chọn cây giống cho cây mận An Phước:

Lựa chọn cây giống luôn là bước quan trọng đầu tiên trong trồng trọt. Chính vì thế chúng ta cần chọn giống mận An Phước có các đặc điểm tốt để trồng như:

- Lựa chọn cây mận khỏe mạnh, phát triển tốt

- Không chọn những cây mận đang bị sâu bệnh

- Nên lựa chọn các vườn ươm úy tín để có được giống mận đảm bảo.

b. Mật độ trồng cây mận An Phước

Khi trồng mận An Phước bà con cần chú ý đến mật độ trồng giữa các cây để cây có không gian để phát triển và cho sản lượng tốt. Cụ thể mật độ cần cho mận An Phước:

- Mật độ hàng: hàng cách bằng 4 – 5m. 

- Mật độ cây trồng: cây cách cây 4 – 4,5m.

c. Kỹ thuật xử lý đất trồng cây mận An Phước

Việc xử lý đất cũng khá quan trọng khi trồng, nếu xử lý đất tốt thì cây mận sẽ phát triển tốt, thời gian cho quả sớm, chất lượng quả cao và ít bị bệnh. Sau đây là một số kỹ thuật xử lý đất mọi người có thể tham khảo:

- Mận An Phước không quá kén về đất có thể trồng với những địa hình khác nhau, nhưng cần cải tạo để cung cấp đủ dinh dưỡng và diệt sâu hại cho cây mận.

- Đối với vùng đất trũng bà con cần làm mô trồng, mô đất rộng 0,8-1m, cao 0,4-0,8m.

- Mỗi mô, bà con có thể bón 0,5kg vôi bột 0,3kg phân lân, 5kg phân hữu cơ hoai mục trước khi trồng.

- Đối với vùng cao, đất gò đồi, bà con đào hốc có kích thước 0,5 x 0,5 x 0,5 và bón mỗi hốc 0,5kg vôi bột 0,2kg phân lân, 0,5-1kg phân chuồng hoai, vun mô rộng 0,8m, cao 0,3m.

- Nếu đất dốc nhỏ hơn 7%, hốc trồng ngang bằng mặt đất, độ dốc lớn hơn, độ dốc lớn hơn, hốc trồng có thể thấp hơn mặt đất 10 – 20cm.

2. Kỹ thuật chăm sóc mận An Phước sau khi trồng:

a. Giữ ẩm: Sử dụng các vật liệu dễ tìm như rơm rạ, cỏ khô … đậy phủ xung quanh gốc để giữ ẩm.

b. Tưới tiêu: Cung cấp nước cho cây thường xuyên nhất là ở thời kỳ mới trồng, hay khô hạn kéo dài. Cây chuẩn bị ra hoa, cần giữ cho gốc cây khô ráo. Thời kỳ mang trái, cây rất cần nhiều nước để nuôi trái. Thiếu nước năng suất kém, phẩm chất giảm và trái nhỏ.

c. Tỉa cành tạo tán: tỉa bỏ cành vượt, cành già cỗi, sâu bệnh, tạo thông thoáng giúp cây quang hợp tốt.  Khống chế chiều cao cây khoảng 3,5m trở lại.

d. Bồi đất cho cây: Hàng năm nên bồi thêm đất cho cây vào đầu mùa khô như bùn mương, đất khô … dầy 2-3cm, xung quanh tán cây kết hợp với việc bón phân hữu cơ hay phân hóa học.

e. Bón phân: Cần tham khảo thêm tài liệu và kinh nghiệm bón phân trong điều kiện canh tác thực tế.

- Phân hữu cơ: Bón 10-15kg phân hữu cơ hoai mục, như: Phân trâu bò, heo, dê, rơm rác mục. Cách bón: Có thể bón xung quanh tán cây và bồi lớp đất bùn mỏng hay đào 3-4 hố kích thước 40x40x40cm ở khoảng giữa tán cây bón phân vào hố và lấp đất lại.

- Phân hóa học:

– Năm thứ nhất : Bón cho cây khoảng 500 gram phân NPK 16-16-8. Chia ra 4-5 lần bón trong năm.

– Năm thứ hai : Bón gấp đôi lượng phân năm thứ nhất, chia ra 3-4 lần bón.

– Thời kỳ cho hoa trái : Bón 1,5- 3kg phân NPK 20-20-15, chia ra làm nhiều lần bón.

– Thu hoạch xong có thể bón tiếp cho cây 0,5-1 kg phân NPK 20-20-15 cho cây nhanh chóng phục hồi.

II. Phòng trừ sâu, bệnh hại trên mận An Phước:

Trong quá trình canh tác bà con cần thực hiện tốt các quy trình quản lý sâu bênh hại, thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề sâu bệnh hại trên cây mận để có biện pháp khắc phục kịp thời, nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng và năng suất quả.

1. Các loại sâu hại trên cây mận:

1) Sâu Cuốn Lá, Sâu Ăn Lá:

Trên cây mận, sâu ăn lá có thể là sâu xanh, sâu khoang, sâu róm. Các loài sâu này thường có thành trùng đẻ trứng trên các lá. Sâu non nở ra sẽ trải qua các tuổi nhất định, sau mỗi lần lột xác chúng sẽ tăng kích thước cơ thể và khả năng gây hại.

Sâu róm trên mận thường phát triển rất nhanh và gây hại mạnh

Cách thức gây hại:

Trong một thời gian ngắn sâu lông có thể ăn trụi hết lá, mật độ sâu cao có thể tấn công gây hại trên cả trái ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm. Sâu ăn trụi lá làm chết cây con và làm giảm sức tăng trưởng cây lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây.

  • Sâu non khi mới mở ra sẽ cắn biểu bì lá; khi lớn lên chúng gặm diện tích biểu bì càng lớn và có khả năng cắn thủng rách lá hoặc ăn cụt đọt non của cây.
  • Do sâu phá hoại nên cây mận sẽ giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng tới hình thành quả, hoặc nhữn cây bị cắn đọt non, cành sẽ bị ngừng vươn dài.
  • Khi gây hại ở giai đoạn cây đang có hoa, quả non sâu có thể tấn công cả những bộ phận này gây ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất thu hoạch của mận

Có thể tìm thấy sâu trên lá, trên cành hoặc trái. Ban ngày, sâu ẩn núp dưới mặt lá và ít di chuyển. Đêm đến bò ra phá hại sang các cành lá khác.

Biện pháp phòng và trị:

- Hàng năm sau khi thu hoạch xong, bà con cần tạo tán, tỉa cành thông thoáng để hạn chế sâu trưởng thành đẻ trứng.

- Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra và phát hiện sâu kịp thời.

- Vệ sinh vườn sạch sẽ, nếu có điều kiện bà con nên thả kiến vống vàng, ong mắt đỏ cùng các loại thiên địch ăn sâu.

- Thu gom các cành lá có ổ trứng và sâu non mới nở đem tiêu hủy.

- Đối với kén dùng phương pháp thu gom đem đốt tiêu diệt.

Cách phòng trừ: Phun phòng vào giai đoạn cây ra đọt non, sâu bắt đầu đẻ trứng (mùa hè mùa thu) và phun trị khi cây bắt đầu xuất hiện sâu non. Nên sử dụng các thuốc chứa hoạt chất: Thiamethoxam, Carbosulfan, Permethrin, Cypermethrin Phun vào chiều mát hoặc sáng sớm, mỗi lần phun 2 đợt cách nhau 7-10 ngày để tăng hiệu quả, giảm hiện tượng kháng thuốc, lờn thuốc.

2) Bọ cánh cứng ăn lá: 

Bọ cánh cứng ăn lá trên cây cây mận hầu hết thuộc nhóm Adoretus, có đến hàng trăm loại, nhưng hầu hết là loại Adoretus ictericus và Adoretus sinicus. Thường gây hại vào ban đêm từ 19h trở đi, ban ngày chúng ẩn nấp ở dưới đất, hốc cây, cỏ rác… ban đêm sẽ lên ăn các lá già sau đó chuyển qua lá non và cành non. Thường gặp nhất là trên các cây nhỏ mới trồng từ 2 năm trở xuống. Khi ăn lá chúng làm cho cây giảm quang hợp, chậm phát triển, nếu cây đang ra bông, ra chồi chúng có thể ăn cụt ngọn, mất bông giảm năng suất.

Cách phòng trừ: Đối với loại sâu này, bà con nên sử dụng các loại thuốc lưu dẫn 2 chiều, thẩm thấu vào mạch lá mô thực vật, sẽ cho hiệu quả tốt hơn, các loại thuốc trừ sâu tiếp xúc thì phải phun trực tiếp lên bọ mới có hiệu quả. Một số hoạt chất phù hợp: Thiamethoxam, Carbosulfan, Chlorantraniliprole Nên phun vào cuối buổi chiều, kết hợp thêm các loại chất bám dính để tăng hiệu quả.

3) Rệp sáp, rầy mềm, rệp dính ký sinh hại cây mận:

Có đến 4-5 loại rệp sáp gây hại trên cây mận, đặc điểm chung của chúng là thường tiết ra một loại bột màu trắng phủ trên thân và các vị trí chúng làm tổ, về sau sẽ xuất hiện thêm nấm muội đen bao trùm toàn bộ cây. Chúng thường sống cộng sinh với các loại kiến làm tổ ở phần gốc cây. Khi rệp sáp phát triển mạnh, cây sẽ giảm sinh trưởng và suy kiệt do không thể quang hợp, đọt not bị hút nhựa làm cho biến dạng, khô đọt… Ngoài ra chúng còn làm tổ ở rễ cây gây ra nấm bệnh khó kiểm soát. Thời điểm gây hại quanh năm nhưng tập trung nhiều vào cuối mùa mưa, và trong suốt mùa khô. Khi thời tiết ấm và khô.

Cách phòng trừ: Dùng các thuốc đặc trị, có tính bám dính và thẩm thấu cao để phun trực tiếp lên rệp sáp hoặc phun phòng. Khi phun phải phun toàn bộ cây, bao gồm mặt dưới lá, cành, thân kết hợp đổ gốc… Một số hoạt chất hiệu quả với rệp sáp là Carbosulfan, Buprofezin,… 

Rệp sáp trên cây mận

4) Sâu đục thân mọt đục cành cây mận:

Sâu đục thân là ấu trùng của một loại bọ cánh cứng thuộc họ xén tóc (còn gọi là sâu Bore), có hình dáng giống con sâu nên thường được gọi là sâu đục thân. Còn mọt đục cành thì bao gồm cả con trưởng thành và ấu trùng của chúng thường là loại bọ cánh cứng có tên khoa học Xyleborus sp.-Scotylidae. Sâu đục thân thường gây hại trên thân chính, cành lớn, trong khi đó mọt đục cành thường gây hại trên những cành nhỏ hơn, cỡ ngón tay trở xuống. Khi tấn công chúng thường đục một lỗ trên thân cây rồi đào dần vào lõi, chỗ vết đục thường có mủ đen xì ra, có nấm trắng xuất hiện kèm theo bột mịn giống mùn cưa. Thời điểm gây hại thường từ tháng 4 – tháng 8.

Khi cây bị đục thân, đục cành, phần từ vết đục thường trở sẽ khô héo và chết dần, sau đó gãy đổ. Ngoài làm giảm năng suất, giảm sinh trưởng, thì đây còn là nơi lý tưởng để các loại nấm bệnh khác tấn công.

Cách phòng trừ: Dọn sạch vườn tược, tạo độ thông thoáng cao. Vào cuối mùa khô và trong mùa mưa, nên phun phòng 2 3 đợt thuốc trừ sâu lưu dẫn (Thiamethoxam, Carbosulfan) phối hợp với thuốc trừ sâu tiếp xúc (Permethrin, Cypermethrin) . Phun lên lá, cành, thân và những vị trí nghi ngờ có trứng và ấu trùng. Trường hợp mới phát hiện, cành còn tươi xanh, thì dùng thuốc sâu bơm vào lỗ đục, dùng vôi bịt miệng lỗ để tiêu diệt ấu trùng và ổ của chúng phía bên trong.

Ấu trùng xén tóc hại cây mận

5) Sâu đục trái, ruồi đục trái: 

Sâu đục trái: Chúng đục sâu vào bên trong trái, đùn phân ra ngoài làm giảm phẩm chất trái. Dùng các loại thuốc sâu có độc tính thấp để phun phòng ngừa như: Cypermethrin, NeemNim, Pethian 4000IUSC… xịt định kỳ vào giai đoạn trái còn nhỏ và bao trái.

Ruồi đục trái: Gây hại trên trái ở giai đoạn trái gần chín. Ruồi đẻ nhiều trứng vào trái, trứng nở ra giòi, đụt khoét thành hang làm như hư thối. Vào mùa mưa trái thường bị hư hại rất nặng nề. Dùng chất dẫn dụ sinh học Vizubon-D hay Protêin thủy phân để bẫy ruồi. Với cách diệt ruồi đụt trái này sẽ không gây ô nhiễm môi trường, giúp tăng chất lượng của cây trái. Có thể dùng túi nilon để bao bọc trái sau khi đã xử lý thuốc phòng trừ sâu rầy và nấm bệnh.

2. Bệnh gây hại chủ yếu trên mận:

 Trên mận, bệnh gây hại không quan trọng lắm. Cần lưu ý phòng bệnh vào giai đoạn sau khi đậu trái, phòng chống bệnh thối nhủng trái, có thể sử dụng Ridomil Gold 69WG, Tilt Super 300EC, Score 250EC … liều dùng theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất.

III. Cách xử lý ra hoa trái vụ trên cây mận An Phước:

Đối với cây mận An Phước sau khi trồng 1 năm cây bắt đầu cho ra hoa đậu quả. Cây cho ra hoa đậu quả có thể lên tới 3 vụ/năm. Tuy nhiên, để cây cho ra hoa trái vụ đạt năng suất cao thì rất ít các nhà vườn làm được. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bà con cách xử lý cây mận An Phước ra hoa trái vụ cho năng suất cao.

Mận An Phước cho năng suất cao khi xử lý ra hoa trái vụ

1. Chăm sóc cây mận An Phước trước thời kỳ ra hoa

- Thời điểm chăm sóc cây mận trước khi ra hoa là thời kỳ rất quan trọng, quyết định đến năng suất cây mận ở mùa vụ đó.

- Bà con nên tiến hành chăm sóc sau khi thu hoạch xong ở mùa vụ trước theo các bước sau:

+ Tiến hành cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành không cho ra trái và cành đâm xuyên tán cây.

+ Sau khi tiến hành cắt tỉa cành xong nên bón phân cho cây mận, Tùy theo độ tuổi cây mận để bón phân, bà con sử dụng phân bón NPK 20-20-15 mỗi gốc bón 0,5-1,0 kg, bón xung quanh gốc cây mận. Nên cuốc rãnh xung quanh cây mận theo chiều hướng tán rồi bón phân. Bà con nên bón thêm 5kg phân chuồng hoai mục trộn đều với nấm Trichoderma bón đều xung quanh gốc sau đó lấp đất lại.

+ Tưới nước: Sau khi bón phân xong nên tưới nước đủ ẩm cho gốc để phân tan đều và tránh cây bị cháy rễ khiến cây bị chết.

+ Khống chế chiều cao cây mận: Việc khống chế chiều cao cây giúp cho việc chăm sóc và quản lý cây mận được rễ dàng  hơn.

2. Xử lý cây mận An Phước ra hoa

- Ở giai đoạn xử lý mận ra hoa bà con nên cần quan sát kỹ cây mận để có biện pháp chăm sóc kịp thời cho cây. Sau khi bón phân cho cây mận, thì cây bắt đầu cho ra đọt non, vươn cành mới.

- Khi đọt non phát triển từ lá có màu lụa chuyển sang màu xanh nõn chuối, đây là thời kỳ quyết định xử lý cây mận ra hoa mùa nghịch.

- Đối với cây mận tơ, bà con nên tỉa bớt 1/3 lá bên trong cây mận, cho cây thông thoáng và giảm bớt sâu bệnh hại cây mận. Kết hợp tưới KCNO 50g pha với 10 lit nước tưới cách gốc cây mận 5-10 cm. Tưới xong bà con nên xả nước liên tục 3 ngày.

- Để cây cho ra hoa trái vụ bà con pha 10-20g Paclobutrazol  với 10 lit nước tưới xung quanh gốc cây mận An Phước. Kết hợp ThiO Urea 99% (30 ngày sau khi phun Paclobutrazol) với nồng độ 0,1 - 0,3% (10g - 30g/10 lít nước).  Phun đều lên lá, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để thuốc có thể ngấm đều lên lá.

- Hoạt chất Paclobutrazol  có hiệu quả tạo ra trái màu nghịch, cho trái sớm, làm giảm hiện tượng ra trái không ổn định. Tương tự ThiO Ure có tác dụng đánh thức mầm ngủ (phá hủy miên trạng) của chồi ngủ (mầm chồi, lá, hoa) giúp cây ra tược đồng loạt, ra hoa trái vụ..

- Trước khi xử lý cây mận ra hoa trái vụ bà con nên để vườn mận khô ráo trước 7 ngày, sau đó tưới nước xả đãm và tiến hành xử lý cây mận ra hoa trái vụ.

3. Giai đoạn chăm sóc sau khi cây ra hoa

- Sau khi cây mận ra hoa bà con sử dụng thuốc chống rụng trái kết hợp với bón phân NPK cho cây nuôi trái. Thời điểm bón phân

+ Đợt 1: Lúc mận đổ nhụy bón thúc lần 1

+ Đợt 2: Sau khi bao trái mận bón thúc lần 2

+ Đợt 3: Chuẩn bị thu hoạch trái bón thúc lần 3

- Cách bón: Mỗi đợt bón bà con bón 0,5kg NPK 20-20-10 bón xung quanh gốc cây hoặc bà con có thể pha cho với 10 lit nước tưới, phun cho cây. Bà con có thể kết hợp với thuốc chống thối trái để tưới cho cây.

- Bà con sử dụng phân bón Vinco 79 để hạn chế rụng trái non, tăng năng suất cây trồng. Sản phẩm giúp tăng tỷ lệ đậu trái, kích thích cho to trái và tăng năng suất cây trồng. Đối với cây mận An Phước bà con pha với nồng độ 5-20 mg/L nước phun lên toàn bộ cây trong thời kỳ cây ra hoa.

 

 
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận