Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sầu Riêng

Sầu riêng là cây ăn trái đặc sản của vùng Đông Nam Á, có nguồn gốc từ Malaysia và Borneo. Về giá trị kinh tế, đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà vườn, doanh thu hàng năm có thể hơn 100 triệu đồng/ha.

I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC

  1. Thân: Cây sầu riêng có kích thước từ trung bình đến to, thân cao 20-40m. Cây ghép ít khi cao quá 10-15m. Thân thẳng dạng cột, nhánh thân thấp, tán dày bất định (khi cây còn nhỏ tán giống như cây thông), đường kính thân thay đổi từ 20-120cm, vỏ màu nâu đỏ lợt, có thể tróc ra bất thường với những đường nứt sâu, thẳng.
  2. Lá: Lá đơn, mọc cách, có hình thuôn dài đến hình mác, dài từ 10-15cm, rộng từ 3 - 4,5cm, màu xanh sáng ở mặt trên, có nhiều vảy ánh bạc rất nhỏ ở măt dưới. Đáy lá có dạng góc nhọn hay tù, đỉnh lá nhọn thẳng, lá có mùi thơm nhẹ khi vò nát. Cuống lá dày, dài từ 1,5-3cm, đường kính từ 0,15-0,35cm. Mầm lá dẹt và những lá non đầu tiên xếp lại tại gân chính. Mỗi năm cây mọc ra từ 3-5 đợt đọt non.
  3. Hoa: Hoa thường mọc ra từ những cành già, lớn. Hoa mọc thành chùm thòng xuống, mỗi chùm có khoảng 3-30 hoa, dài khoảng 15cm. Cuống hoa to, dạng ống lớn dần từ dưới lên trên, có đốt, dài khoảng từ 2-4cm và có vảy.

Hoa dài 5-6cm, đường kính khoảng 2cm, màu trắng hoặc trắng xanh nhạt. Hoa được bao bọc bên ngoài bởi lá đài phụ đóng kín lúc hoa chưa nở, chia thành 2-4 mảnh khi hoa nở và rụng đi. Lá đài phụ dài khoảng 1,5-2,5cm có màu xanh vàng nhạt, khi nở phô bày ra 5 lá đài chính bên trong. Lá đài chính cao khoảng 2-3cm, rộng 1,5cm, sau đó cũng rụng đi. Tại đài hoa có 5 tuyến mật rộng, màu cam. Hoa có 5 cánh màu trắng nhạt, kem hay vàng sáng, cánh hoa có dạng thìa dài, đỉnh tròn, dài 3-5cm, rộng 1,5-4cm.

Nhị đực gồm 5 thùy rời hình quạt máy, dài 2,5-5cm. Mỗi thùy có 4-18 chỉ nhị dài không bằng nhau. Bao phấn hình thận mọc thành chùm 3-12 cái. Bầu noãn thượng, hình trứng dài, có ánh bạc và chia làm 4-5 ngăn, dài 0,5-0,7cm. Vòi nhụy cái hình ống, to ở đáy, màu hồng sáng có phủ lông dày, dài 3-4,5cm, nuốm to có màu vàng hay cam.

Ở Đồng Nai, sầu riêng trổ hoa vào khoảng tháng 12DL và có thể kéo dài đến tháng 2DL năm sau. Tuy nhiên cũng có giống tiếp tục trổ hoa cuối mỗi đợt trái (sầu riêng Tứ Quý). Tùy theo điều kiện thời tiết trong năm kế tiếp, cây có thể ra hoa sớm hay trễ hơn một tháng so với năm trước.

Thời gian trổ hoa thường kéo dài 2-3 tuần và mỗi hoa mất khoảng 2-3 ngày để nở hoàn toàn. Hoa nở vào cuối buổi chiều. Nuốm nhận phấn sớm khi lá đài phụ vừa nứt ra, kéo dài đến sáng sớm hôm sau. Bao phấn bắt đầu tung phấn lúc 7 giờ tối, đến khoảng 11 giờ khuya thì nhị đực, lá đài và cánh hoa bắt đầu rụng đi chỉ còn vòi nhụy cái.

Có những cây sầu riêng có khả năng tự thụ phấn kém nên hoa của chúng cần được thụ phấn của những cây khác. Do hoa nở ban đêm có mùi thơm nhiều nên sự thụ phấn tự nhiên được giúp đỡ bởi dơi và các loài bướm đêm qua việc chích hút mật hoa. Sự thụ phấn do gió thì không rõ ràng. Cơ hội để hoa thụ phấn bị hạn chế vì bao phấn tung phấn lúc 7 giờ tối và rụng đi trước nửa đêm. Do đó, trong thời gian này nếu hoa không được thụ phấn thì sau đó sẽ rụng đi làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái.

Valmayor (1965), Malo và Moutin (1979) cho rằng: sầu riêng trồng hột có tỷ lệ bất thụ cao và hoa cần được thụ phấn chéo từ giống khác để tăng tỷ lệ đậu trái.

Nếu sự thụ phấn không thành công thì nuốm nhụy héo đi và rụng trong khoảng 4 ngày sau khi nở hoa. Nếu thụ phấn thành công, màu của trái non thay đổi từ nâu sáng sang xanh sáng và trong khoảng 1 tuần lễ bầu noãn bắt đầu to ra. Bầu noãn có 5 ngăn, mỗi ngăn chứa 1-7 tiểu noãn. Tuy nhiên không phải tất cả các tiểu noãn đều phát triển, nên 1 trái phát triển đầy đủ chỉ chứa trung bình 12-13 hột. Đồng thời với sự tăng rộng của bầu noãn là sự gia tăng đáng kể của cuống trái. Khoảng 2 tuần sau khi thụ phấn, gai trái bắt đầu phát triển, nhỏ, mềm, và nhô lên.

  1. Trái: Sự phát triển của trái theo đường cong chữ S. Ở tuần lễ thứ 2 sau khi thụ phấn chỉ có một chút khác biệt giữa chiều dài và đường kính trái, kéo dài đến tuần lễ thứ 4. Bắt đầu từ tuần lễ thứ 5, chiều dài trái tăng nhanh hơn so với đường kính. Sự tăng trưởng của trái rất nhanh cho đến tuần lễ thứ 13, sau đó chậm dần đến tuần lễ thứ 16.

Các nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 42-43 % hoa thụ phấn chéo có khả năng trở thành trái chín, số còn lại thường rụng đi ở các thời kỳ khác nhau trong giai đoạn phát triển. Sự rụng trái xảy ra nhiều trong tuần lễ đầu tiên sau khi thụ phấn, sau đó tiếp tục rụng đến tuần lễ thứ 9 nhưng với tỷ lệ thấp.

Trái mọc thòng, thường chỉ có 1-2 trái phát triển ở mỗi chùm hoa, hình tròn, trứng hay bầu dục dài tùy giống, màu xanh đến nâu vàng, dài 15-25cm (ở một số giống trái có thể dài đến 40cm), rộng 13-16cm. Cuống trái to dài 5-6cm, đường kính 1-1,2cm. Vỏ trái dày, chắc nhưng không bị tổn thương khi chín. Hình dạng và kích thước gai thay đổi tùy giống, từ to cứng hình chóp nhọn ngắn đến dài. Khi chín, trái nứt ra thành 5 mảnh từ đỉnh để lộ ra 5 ngăn chứa thịt trái (tử y) bao ngoài hột. Thịt trái trắng ngà, vàng, vàng nhạt hay cam, giống như bơ, có vị ngọt và thơm. Màu sắc và độ dày cơm thay đổi tùy giống. Mỗi ngăn trái chứa từ 1-7 hột. Hột to màu vàng sáng, vỏ mềm, bên trong chứa bột trắng, thay vào đó hiện nay có nhiều giống hạt lép.

Thời gian từ khi hoa nở đến khi thu hoạch từ 95 đến 105 ngày, có những giống 130 ngày. Trái chín khoảng 2-3 ngày sau khi rụng.

II. YÊU CẦU SINH THÁI

1. Thời tiết khí hậu

1.1 Nhiệt độ: So với hầu hết cây ăn trái nhiệt đới khác, sầu riêng trồng thích hợp trong điều kiện nhiệt độ trung bình thấp. Terra (1952) cho biết có 5 vùng trồng sầu riêng ở Java giữa độ cao từ 400-600m và đặc biệt có một vùng cao đến 650m (nhiệt độ bình quân hàng năm khoảng 230C). Tại Việt Nam, cao nguyên Bảo Lộc hiện đang trồng sầu riêng rất tốt, nhiều cá thể đã trên 20 năm. Ở một số vùng trồng thuộc Thái Lan và Ấn Độ, sầu riêng có thể chịu đựng được nhiệt độ cao đến 46 0C.

1.2 Ẩm độ: Lượng mưa thích hợp cho sầu riêng ít nhất phải đạt 1.500mm và phân bố đều. Hầu hết các vùng trồng sầu riêng ở Châu Á có lượng mưa bình quân trên 2.000mm, có thể trên 3.000mm và phân bố đều quanh năm. Nếu khô hạn kéo dài quá 3 tháng sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, đặc biệt trong giai đoạn ra hoa, trái.

1.3 Ánh sáng: Sầu riêng không chịu ảnh hưởng bởi quang kỳ hay cảm ứng nhiệt để phân hóa mầm hoa trong những vùng thuộc xích đạo, cây còn nhỏ yêu cầu ánh sáng nhẹ.

- Gió mạnh (bão)  có thể làm gãy nhánh và rụng hoa, trái.

2. Đất đai:

- Sầu riêng thích hợp với đất có tầng canh tác dày, giàu chất hữu cơ, đất đen, đất xám, đất đỏ Bazan  rất thích hợp với cây sầu riêng.

- Chọn đất thoát nước tốt trong mùa mưa và có khả năng cung cấp nước trong mùa khô.

- Sầu riêng không phát triển được ở vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất có tỉ lệ sét cao và độ phì kém.

- Nếu trồng sầu riêng trên đất thấp phải đào mương, lên liếp đảm bảo tối thiểu từ mặt đất đến mực nước ngầm > 3m.

- pH thích hợp cho cây sầu riêng từ 6 – 6,5.

III.  GIỐNG VÀ KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG

  1. Giống:

Hiện nay có rất nhiều giống sầu riêng được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. T`rong những năm gần đây, nhà vườn đã chọn lọc và trồng nhiều giống sầu riêng có năng suất cao, chất lượng tốt gồm các giống được chọn lọc trong và ngoài nước.

1.1 Sầu riêng hạt lép Bến Tre (Chín Hóa)

Nguồn gốc ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre được nhân giống vô tính, tuổi cây 20 năm. Cây có tán khá tròn đều, năng suất cao (hơn 100 trái/cây/năm và ổn định qua các năm), phân bổ trái đều. Trái to (3-3,5 kg/trái), dạng trái cân đối, cơm có màu vàng đều, không xơ, mềm dính tay, tỉ lệ cơm cao 28,8%, hạt lép chiếm 72,9%, vị béo ngọt, mùi thơm hấp dẫn, trồng phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ.

1.2 Sầu Riêng hạt lép Long Khánh (HL11)

Nguồn gốc ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Cây có tán tròn đều, phân bố cành đều và cho năng suất cao (hơn 110 trái/cây/năm) và ổn định. Trái có trọng lượng trung bình 1,5-1,8kg. Dạng trái khá cân đối, cơm màu vàng đều, không xơ, ráo, mịn chắc, tỉ lệ cơm cao 29,6 %, hạt lép 60 %, vị béo ngọt, thơm hấp dẫn.

1.3 Sầu riêng Dona (Monthong)

Có nguồn gốc nhập nội từ Thái Lan, được Công ty DonaTechno trồng khảo nghiệm, đăng ký giống và được Bộ Nông Nghiệp & PTNT công nhận giống năm 2005. Đây là giống có trái to từ 2,5-5kg, bình quân 3kg/trái, độ dày cơm 26mm, hạt lép, tỷ lệ cơm 35%. Giống sầu riêng Dona thích hợp trên nhiều vùng đất đỏ bazan, đất xám có tầng canh tác dày như các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và một số huyện khác.

1.4 Sầu riêng RI6

                Có nguồn gốc từ tỉnh Vĩnh Long. Đây là giống có mẫu mã trái đẹp có chất lượng ngon tương đương như sầu riêng Chín Hóa, được nhiều nhà vườn tại huyện Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh chọn trồng.

Ngoài ra để tìm nguồn gen tốt từ nhà vườn trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã tổ chức Hội thi trái ngon giống tốt, kết quả đã chọn được 3 cây sầu riêng có chất lượng ngon tại thị xã Long Khánh và huyện Thống Nhất. Các cây này sẽ được tiếp tục theo dõi và đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT Đồng Nai công nhận giống tốt để bổ xung vào cơ cấu giống sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

  1. Kỹ thuật nhân giống

2.1 Chọn cây giống

Chọn từ cây mẹ có năng suất cao, phẩm chất tốt, ít sâu bệnh và đã cho trái ổn định trên 5 năm. Tùy theo vùng đất, mực nước ngầm mà chọn cây tháp hay cây chiết. Cây tháp thích hợp vùng đất cao vì rễ cây tháp mọc sâu. Cây chiết thích hợp vùng đất thấp, mực nước ngầm cao vì rễ cây chiết mọc cạn.

2.2 Nhân giống

2.2.1 Chuẩn bị gốc tháp: Chọn hột từ trái chín, không sượng, rửa kỹ bằng nước vôi, ủ ngay vì hột dễ mất sức nẩy mầm. Trải hột kề nhau trên đất ẩm, lớp đất dày khoảng 10cm, tủ cỏ khô, giữ ẩm bằng cách tưới mỗi ngày. Khi hột nẩy mầm, gieo vào liếp, khoảng cách 30 x 30cm, đặt tể hột úp xuống, 1/2 đáy hột hướng lên trên, phủ cỏ và tưới đủ ẩm. Chăm sóc cây con để cây phát triển tốt; khi phát triển được 2-3 nhánh, chỉ giữ lại 1 nhánh tốt. Không nên tháp khi cây non, bộ rễ chưa phát triển đủ mạnh, 1-2 năm tuổi là tốt nhất.

2.2.2 Cách tháp (tháp mắt): Tháp vào khoảng tháng 6-9DL, có mưa nhiều, nhiệt độ và ẩm độ thích hợp cho tỉ lệ sống cao. Mở miệng tháp cách mặt đất từ 20-25cm, kiểu tháp chữ nhật, mở miệng tháp trên gốc tháp dài từ 2-2,5cm, rộng 1-1,5cm (tránh mũi dao làm trầy gỗ bên trong). Sau đó, rạch một đường chia lớp vỏ đậy ra 2 phần (7/3), phần lớn phía trên, sao cho khi đặt mặt tháp vào không bị cấn dập.

2.2.3 Thao tác: Chọn mắt tháp từ những mầm nhú lên ở nách lá trên cành hoặc những mắt ngủ (nông dân thường gọi là hạt gạo). Mắt lấy dạng hình thang hoặc hình chữ nhật, kích thước tương ứng với phần mở cửa sổ trên gốc tháp.  

- Đặt mắt tháp vào miệng tháp, đậy vỏ lại sao cho mầm nhú ra ngoài, xong đậy kín lại.

  1. Tiêu chuẩn cây giống

- Cây phải đúng giống, lá xanh tốt, bộ rễ phát triển tốt.

- Vị trí tháp cách gốc 20-25cm.

- Đường kính gốc 1,2-1,5cm (ngay vị trí tháp).

- Chiều cao 60-70cm (tính từ mặt bầu).

- Kích thước bầu đất: 15 x 30cm (phần thể tích nuôi cây giống).

IV. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

  1. Thiết kế vườn trồng

           Thiết kế vườn trồng sầu riêng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Thoát nước tốt trong mùa mưa.

- Hạn chế và ngăn chặn các sâu bệnh hại xâm nhiễm từ bên ngoài.

- Chống xói mòn để giữ độ phì cho đất.

- Đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Sơ đồ thiết kế vườn trồng cây sầu riêng

 Tuỳ theo địa hình đất cao hay thấp để bố trí bề rộng, bề sâu của mương để thoát nước cho phù hợp:    

Mương phụ: rộng 0,3 -0,4 m; sâu 0,3-0,4m.

          Mương chính: rộng 0,5-0,8m; sâu: 0,5-0,7m.

  1. Kỹ thuật trồng

2.1 Thời vụ: Từ đầu đến giữa mùa mưa (tháng 5 – 8DL) như đa số các loại cây ăn trái khác. Có thể kéo dài đến cuối mùa mưa (nếu trồng quá trễ, cây gặp mưa nhiều cuối vụ và gặp nắng hạn sau đó cây sẽ phát triển kém), trong mùa khô phải có nước tưới và làm giàn che.

2.2 Mật độ: Tuỳ thuộc vào giống, đất và chế độ chăm sóc. Trong điều kiện của tỉnh Đồng Nai có thể trồng với mật độ như sau:

- Đất tốt (đất giàu dinh dưỡng, đất đỏ bazan) 10m x 10m (100 cây/ha).

- Đất xám 8m x 10m (125cây/ha).

Trong giai đoạn đầu cần trồng xen canh hoặc trồng cây phủ đất để chống xói mòn và không lãng phí đất.

2.3 Cách trồng:

2.3.1 Chuẩn bị hố trồng: trước khi trồng từ 1 – 2 tháng đào hố 1m x 1m x 0,7m.

- Lấy ½ lớp đất mặt bỏ 1 bên, ½ lớp đất còn lại để 1 bên.

- Dùng 0,5kg vôi xử lý hố trồng.

- Sau khi đào hố 2 tuần: trộn đều từ 20kg – 40kg phân hữu cơ hoai mục + 1kg phân lân + ½ kg vôi + lớp đất mặt, lấp hố trồng.

Chú ý khi lấp hố trồng cần lấp cao hơn mặt đất tự nhiên.

2.3.2 Cách trồng: đào hố trồng vừa bằng bầu cây giống trồng, nhẹ nhàng cắt bỏ bầu ni lông, sao cho đất và rễ không bị tổn thương. Nếu thấy rễ qúa già và quấn chung quanh bầu, dùng kéo bén tỉa bỏ bớt rễ già.

- Đặt cây vào hố dùng đất nén chặt chung quanh bầu cây.

- Cắm 3 cây theo hình tam giác đều, chụm lại và buộc nhẹ thân cây vào cây chống.

- Dùng rơm hay cỏ khô tủ giữ ẩm, che mát cho cây con trong thời kỳ đầu, thường xuyên giữ ẩm cho cây, nếu có nắng hạn kéo dài, phải dùng thùng vòi hoa sen tưới nước bổ sung.

  1. Phân bón và kỹ thuật bón phân

3.1 Phân bón

3.1.1 Phân hữu cơ

Qua đúc kết kinh nghiệm thực tế, để cải thiện chất lượng cơm, nên sử dụng nhiều phân hữu cơ, hạn chế bón thuần phân hóa học. Thực tế cho thấy những vườn sầu riêng Dona có bón phân hữu cơ, bộ lá xanh tốt, màu sắc cơm đậm hơn và không có trái bị sượng khi bón phân vô cơ cân đối.

3.1.2 Phân vô cơ

- Giai đoạn kiến thiết cơ bản

Lượng phân bón có thể khuyến cáo như sau:

 

TT

Tuổi cây

Loại phân (NPK)

Số lượng (kg/cây)

Số lần bón/năm

1

Năm 1

16-16-8-13S

hay 20-20-15

0,5 kg

 

5

2

Năm 2

16-16-8-13S

hay 20-20-15

1kg

4

3

Năm 3

16-16-8-13S

hay 20-20-15

1,5kg

3

4

Năm 4

12-12-17

3,5kg

3

Cách bón: Cây còn nhỏ, nên pha phân vào nước để tưới, từ năm thứ 3 bón theo hình chiếu tán.

- Kết hợp bón phân chuồng, phân ruốc, phân dơi từ 20 – 30kg/cây để cây phát triển tốt. Không bón phân clorua kali (KCl) dễ làm giảm chất lượng trái (sượng trái).

- Giai đoạn kinh doanh

Bón phân theo từng giai đoạn trong những năm cây cho trái ổn định.

 

Số TT

Thời kỳ
sinh trưởng

Dạng phân
 

Số lượng
(kg/cây)

1

Sau khi thu hoạch

 - 16.16.8.13S

 hoặc 20.20.15 ;12.12.17.2
- Phân hữu cơ hoai mục

2-4
2-4
10-20

2

Trước khi trổ 1-2 tháng

-10-52-17
hoặc 8.24.24
- Xịt MKP 0.52.34

2-4
2-4
 

3

Sau khi đậu trái (trái bằng trái cam)

16.16.8.13S
hoặc 20.20.15
hoặc 12.12.17.2

2-3
2-3
2-3

4

9 tuần sau khi đậu trái

20.20.15 hoặc xịt KNO3

1-2 (40 gr/20 lít vào 5, 6, 7, 8, 9 tuần sau đậu trái)

   Ghi chú: 1 kg NPK 20-20-15 = 0,43kg ure + 1,21 kg lân + 0,31kg kali trắng.

                  - 1kg NPK 12-12-17 = 0,26kg ure + 0,72 kg lân + 0,35 kg kali trắng.

                  - 1kg NPK 10-52-17 = 0,22kg ure + 3,15 kg lân + 0,35 kg kali trắng.

 3.2 Kỹ thuật bón phân

Bón chung quanh tán cây và rải đều dưới tán, dùng cào trộn với đất mặt, nếu trời không mưa tưới nhẹ.

Hiện nay nhiều nhà vườn ứng dụng công nghệ tiên tiến bón phân vô cơ cho cây sầu riêng bằng công nghệ  tưới nước kết hợp bón phân qua đường ống. 

  1. Tưới nước

Tưới nước theo công nghệ cao, công nghệ này tiết kiệm được lượng nước tưới và xăng dầu, giảm 85% công tưới nước, hạn chế thất thoát phân bón nâng cao hiệu quả sử dụng phân của cây, đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng cho cây một cách nhanh chóng, tăng năng suất và chất lượng nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các ưu điểm của phương pháp tưới nước tiết kiệm và bón phân vô cơ qua đường ống:

+Tiết kiệm lượng nước tưới.

+Tiết kiệm nhiên liệu.

+Tiết kiệm công tưới, công bón phân.

+Tiết kiệm công làm bồn.

+Tiết kiệm phân bón.

+Tăng năng suất và chất lượng trái.

+ Hạn chế lây lan sâu bệnh.

Chú thích:

Căn cứ vào hướng dẫn các đợt bón phân vô cơ trong quy trình kỹ thuật, mỗi đợt bón phân, lượng phân bón được hòa vào hệ thống tưới 3 – 5 lần mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày, chia nhỏ lượng phân ra các lần bón như thế sẽ góp phần giảm thất thoát phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng.

Pha phân: Khi bón phân cho cây, phân bón được ngâm trước 1 ngày, thường xuyên khuấy đều khi ngâm phân, để phân  hòa tan hoàn toàn lượng phân cần tưới vào bồn dung dịch phân (không nên sử dụng các loại phân khó tan).

Nguyên tắc hoạt động:

- Khi vận hành máy bơm, dưới lực hút của máy, nước từ giếng và dung dịch phân trong bồn chứa sẽ được hút vào máy bơm và được khuấy đều đưa vào hệ thống tưới và ra các vòi tưới cho cây. Chúng ta có thể  thay đổi lượng phân bón trước khi đi vào trong máy bằng khóa điều chỉnh.

- Từ máy bơm, một lượng lớn nước chứa phân được đưa đến bộ lọc (tránh nghẹt vòi, ống) rồi đến ống cấp 1. Nếu nước trong bồn bị cạn hệ thống sẽ ngưng hoạt động.

- Từ ống cấp 1, nước chứa phân được đưa đến các ống cấp 2, rồi đến ống cấp 3 tưới vào từng gốc cây.

- Ống cấp 2 được đặt dọc theo các hàng cây, trên các ống cấp 2 này chúng ta lắp đặt hệ thống van điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước vì nơi gần máy bơm áp lực và lưu lượng nước cao hơn những nơi cách xa máy bơm. Ngoài ra các van này cũng rất quan trọng để điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước cho những vùng có địa hình không đồng đều, đồi dốc...

  1. Trồng cây phủ đất

Có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện mưa nhiều, đất đai có độ dốc. Mặt khác trong mùa khô thảm phủ đất cũng góp phần giảm sự bốc thoát hơi nước trên lớp đất mặt.

Giữ ẩm trong mùa nắng bằng rơm rạ khô và cách gốc khoảng 20cm. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển đồng thời khi rơm rạ phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng cây phủ đất để tránh bị xói mòn đất. Trong khoảng thời gian từ năm 1 đến năm thứ 4 có thể trồng xen canh với một số loại cây họ đậu, bắp, rau màu, có thể trồng một số loại cỏ để chăn nuôi bò. Thu nhập từ các loại cây này góp phần rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư cho sản xuất.

Trong điều kiện không trồng các loại cây kể trên thì nhà vườn có thể trồng các loại cỏ phủ đất như cỏ lá gừng, hay các loài cỏ họ đậu thấp cây khác. Trong quy trình này chúng tôi giới thiệu hai loại cỏ họ đậu phủ đất (Kudzu và đậu Mucuna) được trồng phủ đất trong vườn sầu riêng rất có hiệu quả.

5.1 Quy trình trồng cỏ Kudzu và đậu Mucuna

Cỏ Kudzu và đậu Mucuna có thể trồng phủ đất cho cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái, có khả năng phát triển được trên nhiều loại đất. Hai loại cỏ này được lấy hạt giống trong tháng 11-12 hàng năm và đem gieo trồng vào đầu mùa mưa năm sau (tháng 5-6).

5.1.1 Giống và xử lý hạt giống:

- Hạt giống trước khi gieo phải được sàng lọc để loại bỏ hạt xấu.

- Xử lý hạt giống: rất quan trọng, cần thực hiện đúng cách và đúng thời gian.

+ Kudzu: ngâm nước ấm 70oC (2 phần nước sôi +1 phần nước lạnh) qua đêm (12 giờ) rồi gieo vào ngày hôm sau.

+ Mucuna: ngâm nước 700C (2 phần nước sôi + 1phần nước lạnh) trong 5 phút, sau đó cho thêm một phần nước lạnh ngâm tiếp qua đêm rồi gieo.

Lưu ý: khi ngâm hạt, phải đổ nước ngập hết phần hạt giống cần gieo.

5.1.2 Chuẩn bị đất: đất phải được dọn sạch cỏ dại, cày bừa cho tơi xốp trước khi trồng cây ăn trái kết hợp gieo hạt giống cỏ họ đậu.

Đối với đậu Kudzu chỉ trồng một lần, các năm sau đậu sẽ tự tái sinh vào mùa mưa, đối với đậu Mucuna nếu đã cày vùi cỏ vào đất từ cuối mùa mưa thì cần phải làm đất lại trước khi gieo hạt giống.

5.1.3 Mật độ khoảng cách:

STT

Chủng loại

Lượng hạt giống (Kg/ha)

Khoảng cách

lượng hạt/hốc

1

Kudzu

3

3 hàng x (0,8m x 0,4m)

5 -7

2

Mucuna

12

3 hàng x (0,8m x 0,4m)

3

 

Chú ý: với Kudzu không gieo quá sâu, tránh cho hạt khó nẩy mầm.

5.1.4 Chăm sóc:

- Thảm phủ sau khi trồng từ 15- 20 ngày tiến hành làm cỏ đợt một, sau 40 - 45 ngày làm cỏ đợt 2.

- Riêng đậu Kudzu tốc độ tăng trưởng chậm do đó có thể làm cỏ đợt 3 khoảng 60 ngày sau khi gieo.

- Nếu đậu sinh trưởng kém phun bổ sung phân urea (nồng độ 1%).

- Khi cỏ đậu phát triển, phát dọn ngọn cỏ theo các trường hợp sau:

* Vườn cây năm thứ 1: chỉ để cỏ phát triển bên ngoài thành bồn (đường kính bồn 1m), không cho đậu quấn vào cây ăn trái làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây ăn trái.

* Vườn năm thứ 2 trở đi: tiếp tục để cho cỏ đậu phát triển nhưng chú ý thường xuyên phát dọn ngọn cỏ ở thành và trong bồn (đường kính khoảng 1 mét) tránh cho leo quấn cây ăn trái.

- Trong thời gian sinh trưởng đậu Mucuna thường bị châu chấu phá hoại trên lá, phòng trừ bằng xịt thuốc   Fenobucard 96% (Bassa ), Buprofezin 7%+ fenobucarb 20%  (Applaud-bas 27BTN), Esfenvalerate 83% ( Sumi - alpha)

- Đối với cỏ Kudzu, thời gian ra hoa bị rệp sáp phá hại rất nặng, giai đoạn kết trái, nhiễm nặng nhất thường là bị sâu đục trái, phòng trừ bằng thuốc  Diazinon 95 %( vibasu  10 H), Dimethoate  95 % (Bian 50 EC)…

5.1.5 Thu hoạch

+ Đậu Mucuna có thể thu hoạch tháng 11-12 dương lịch khi lớp thảm phủ bắt đầu rụi hết, trái thu về phơi khô, tách hạt bảo quản.

+ Cỏ Kudzu thu hoạch chậm hơn, có thể vào tháng 1- 3 năm sau. Cỏ Kudzu thu hoạch phần lớn trái già đã chuyển sang màu vàng (do trái tự nẻ khi vỏ đã khô) dùng liềm cắt nguyên phần trái đưa về phơi từ 2 - 3 nắng, đập vỏ lấy hạt bảo quản.

5.2 Những lưu ý khi trồng cây phủ đất  

- Những năm đầu của thời kỳ kiến thiết cơ bản trong vườn cây ăn trái cần ưu tiên trồng xen các loại cây họ đậu như: đậu xanh, đậu phọng, đậu nành hoặc các loại cỏ hòa thảo mọc thấp dùng trong chăn nuôi gia súc ngoài mục đích làm thảm phủ đất còn tăng hiệu quả sản xuất với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”.

- Cỏ Kudzu trồng thảm phủ có nhiều hiệu quả trên cây cao su. Tuy nhiên nếu trồng làm thảm phủ trong vườn cây ăn trái cần lưu ý các vấn đề chính như sau:

- Hai loại cỏ họ đậu trên có khả năng sinh trưởng mạnh mức độ bò leo quấn vào cây trồng trong vườn lớn vì vậy phải thường xuyên làm cỏ quanh gốc để hạn chế bò leo làm ảnh hưởng đến cây trồng.

- Đối với cỏ Kudzu không tàn lụi trong mùa nắng vì vậy cần lưu ý dọn sạch  cỏ cách xa gốc để tránh cạnh tranh nước tưới với cây ăn trái trong mùa nắng.

- Cỏ họ đậu không có khả năng phát triển được khi vườn cây ăn trái khép tán, cho nên khi cây ăn trái đã khép tán phải nghĩ đến phương pháp phủ đất khác.

  1. Tỉa cành - tạo tán

Mục đích:

- Tạo hình thuận tiện cho ra hoa, quả.

- Cây có bộ khung khỏe.

- Ra hoa quả điều, tránh hiện tượng ra quả cách năm.

- Giảm thiệt hại do gió, bảo, sâu bệnh.

6.1 Tạo hình sầu riêng con:

- Chỉ để 1 ngọn, tỉa bỏ hết chồi gốc.

- Tại cùng 1 vị trí không để 2 cành vì cây dễ bị chẻ 2 khi cây mang nhiều quả.

- Khoảng cách các cành trên thân chính: khi cây còn nhỏ nên để 8 – 10cm, khi cây lớn khoảng cách là 30cm.

- Cành đầu tiên cách mặt đất 30cm khi lớn khoảng cách là 1m.

- Tỉa bỏ cành vọt (cành mọc thẳng lên trời), cành gầy yếu.

6.2 Cắt tỉa cành khi cây cho trái ổn định:

- Sầu riêng kết quả trên thân, cành, vì vậy chỉ để lại cành khỏe, cắt tỉa làm 3 lần.

Lần 1: Sau khi thu hoạch xong, cắt cành khô, cành bệnh, cành gầy yếu.

Lần 2: Trước khi bón phân lần 2, cắt tỉa vào tháng 8 -9DL, cắt bỏ những cành vọt, cành bệnh, cành khô.

Lần 3: Khi cây đã có quả to bằng quả quýt, cắt tỉa lần này tiến hành đồng thời với cắt tỉa quả, tập trung dinh dưỡng cho những quả còn lại.

6.3 Tỉa hoa, trái non:

Hoa quả sầu riêng rất nhiều, cây không đủ sức nuôi nên phải tỉa bớt và tạo điều kiện để hoa phía trong đậu trái, trái đồng đều, không dị tật, chất lượng như nhau.

Kỹ thuật tỉa hoa: Cây sầu riêng ra hoa từ 2 – 3 đợt. Chọn 1 đợt chính và loại bỏ những đợt không thích hợp.

Sau khi loại bỏ những hoa ở đầu cành, những đợt hoa không thích hợp tiến hành như sau:

Lần 1: Sau khi hoa nở từ 20 – 30 ngày tỉa bỏ 50% số lượng hoa và trái.

Lần 2: Sau khi hoa nở 35 – 42 ngày chọn lọc và chừa số lượng gấp 2 lần số trái cần thiết.

Lần 3: Sau khi hoa nở 50 -56 ngày để lại số trái phù hợp với sức của cây từ 60 – 150 trái tuỳ vào tuổi cây, khả năng chăm sóc và sức khỏe của cây.

  1. Thụ phấn bổ sung:

Đối với giống sầu riêng Dona, vườn trồng chuyên canh thường cho trái có dạng không đồng đều, dù tỉ lệ đậu trái cũng rất cao. Nếu trồng xen trong vườn sầu riêng khổ qua xanh... thì trái đậu có dạng rất đẹp. Như vậy, khi thụ phấn chéo với cây khác giống, dạng trái sầu riêng Dona được cải thiện rõ nét. Do đó, nên thụ phấn nhân tạo cho sầu riêng Dona bằng cách lấy phấn của giống này thụ cho nuốm nhụy cái sầu riêng Dona vào khoảng 20 giờ, trái sầu riêng sẽ có dạng rất đẹp. Ngoài ra thụ phấn bổ sung còn giúp nhà vườn định vị trái đậu vào những vị trí thuận lợi như ở cành to dễ chăm sóc, thu hoạch.

  1. Xử lý ra hoa trái vụ

Để điều khiển cho cây sầu riêng ra hoa trái vụ cần thiết phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Điều kiện khí hậu phải phù hợp: mưa vừa phải, nhiệt độ trung bình, đất phải thoát nước và khô nhanh sau mưa.

- Cây phải được bón phân đầy đủ và cân đối, cành khỏe, tán lá cân đối, bộ lá xanh mượt để có thể ra hoa khi điều kiện thích hợp.

- Bảo vệ tốt bộ lá, chống sâu bệnh phá hại.

- Trừ cỏ để đất khô nhanh khi mưa dứt.

8.1 Xử lý ra hoa

Bước1: Ngay sau khi thu hoạch xong khoảng tháng 7 dương lịch, tiến hành tỉa tán ngay cho cây mẹ, vệ sinh vườn sạch sẽ,  phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây.

Mỗi cây bón 50kg phân hữu cơ hoai mục + 5kg vôi + 2-3kg NPK (15-15-15) hoặc AT 1 (1,5 – 2kg/cây).

Bước 2: Sau khi cơi 1 già, khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch, bón thúc cơi 2 gồm 3kg DAP + 2kg Sunphat Kali hoặc bón AT 2 (1,5 – 2kg/cây).

Phủ nilon vào cuối tháng 9 dương lịch hoặc làm mương thoát nước, khi nhú mầm hoa bằng hạt gạo thì tháo bỏ nilon.

Chú ý: bảo vệ đọt lá non.

 

Bước 3: Sau khi cơi 2 ở dạng lá lụa mỏng khoảng cuối tháng 9 dương lịch, phun đẫm bộ tán lá bằng Paclobutrazol  (min 95 %) (Super Cultar Mix) 40g cho 1 bình 8 lít.

Sau 1 tuần, phun đẫm tán lá bằng TOBASUN 15g/bình 8 lít (tác dụng là cung cấp dưỡng chất cho cây tạo phân hóa mầm hoa), phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.

Sau 2 tuần phun đẫm tán lá bằng F94(ra bông).  (20g/bình 8lít) Sau khi phun 20 ngày hoa sầu riêng sẽ nhú ra.

Chú ý: Sau khi sử dụng hóa chất nếu có mưa, phải phun bổ sung MKP (0-2-34) liều lượng 40g/bình 8 lít để khống chế sự ra lá non của cây, ảnh hưởng đến kết quả xử lý. Nếu mưa liên tục phải phun từ 2-3 lần cách nhau 1 tuần/lần.

8.2 Xử lý đậu trái:

Bước 1: Khi hoa có kích thước bằng hạt tấm gạo, bón 300g DAP + 100g Sunphat Kali/cây.

Bước 2: Bón phân qua lá

- Lần 1: cùng thời điểm với bón phân gốc, phun F95 (nuôi bông) qua lá (10cc/bình 8lít).

- Lần 2: Khi phần lớn nụ hoa bằng đầu ngón tay út, phun F95 lần 2.

- Lần 3: Khi phần lớn hoa bắt đầu nở, trái non vừa hình thành Phun F95 lần3. 

Một số điểm cần lưu ý khi xử lý ra hoa trái vụ trên cây sầu riêng:

- Tránh thay đổi đột ngột ẩm độ đất để hạn chế hiện tượng rụng hoa hàng loạt.

- Khi nụ hoa bằng ngón tay út phải tỉa bỏ bớt số hoa/chùm, chỉ chừa lại 3 hoa/chùm. Tổng số hoa chừa lại bằng 5 lần số muốn lấy trái sau này.

- Khi trái non bằng quả trứng vịt tỉa bỏ các trái dị dạng, cuống trái nhỏ, số trái chừa lại bằng 1,5 lần số trái muốn lấy sau này.

8.3 Nuôi trái và chống sượng trái:

Bước 1: Bón phân gốc

Lần 1: Khi đa số trái bằng quả trứng vịt, bón 200g DAP + 100g Sunphat Kali.

Lần 2: 15 ngày sau khi bón phân lần 1 bón 200g Urê sữa (Ca(NO3)2.

Sau khi bón phân nuôi trái lần 2 không nên tiếp tục bón phân vì dễ gây ra hiện tượng sượng trái.

Bước 2: Bón phân qua lá

Khi trái non vừa đậu đến khi trái non bằng quả trứng vịt phun 15cc TOBA FRUIT để ngăn ngừa hiện tượng rụng trái non.

Chú ý: Giữ ẩm đều cho cây, không để ẩm độ đất thay đổi đột ngột dễ gây ra hiện tượng rụng trái non.

- Giai đoạn trái to (> 1kg/trái) phải chú ý theo dõi, phòng trừ sâu đục trái.

- Khi trái có cơm, chú ý phòng trừ bệnh thối trái, nhất là những ngày có mưa liên tục.

 

 

 

 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận