Quy trình trồng và chăm sóc cây Cam Sành

I.CHỌN ĐẤT TRỒNG

Cây cam không phải là cây kén đất, nhưng muốn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, phẩm chất tốt, kéo dài tuổi thọ của cây, thì chúng ta phải chọn đất đáp ứng được các yêu cầu sau đây:

Tầng canh tác dày. Mực nước ngầm thấp. Có độ mùn cao. Thoát nước tốt trong mùa mưa và giữ ẩm tốt trong mùa khô. Có độ pH khoảng 5,5 - 6,5.

Trong thực tế sản xuất bà con có thể trồng cây cam trên nhiều loại đất như: Đất đỏ bazan, đất xám mỡ gà, đất sỏi đen, đất đá lộ đầu..., tuy nhiên cần phải cải tạo đất để cây cam có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

II. GIỐNG VÀ KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG

  1. Giống cam

Hiện nay, Giống cam được trồng phổ biến là cam sành, ngoài ra một số ít diện tích trồng giống cam xoàn.

III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

1. Chuẩn bị đất

Đất trồng cam cần có thành phần cơ giới nhẹ, giàu mùn, nếu là đất chuyển đổi từ cây khác sang thì cần phải dọn vệ sinh, rà rễ, cày ải phơi đất trong khoảng thời gian 1 – 3 tháng.

Thiết kế vườn trồng: theo hướng Đông - Tây để tất cả các cây trong hàng đều nhận được ánh sáng. Tùy loại đất, chế độ thâm canh mà bố trí mật độ phù hợp.

Khoảng cách trồng:  Mật độ thích hợp 3m x 4m hoặc 3m x 3,5m.

Chuẩn bị hố trồng: Kích thước hố 60 x 60 x 60 cm, cần lót phân hữu cơ hoai mục, vôi nông nghiệp, lân Super và lớp đất mặt, theo tỷ lệ 5-10kg phân hữu cơ + 200 -300g vôi + 200 - 300g lân Super + lớp đất mặt, hỗn hợp trên được cho vào hố trồng trộn đều, ủ từ 20 - 30 ngày.

Thời vụ trồng: Ở Đồng Nai, cây cam có thể trồng được quanh năm nếu chủ động tưới và tiêu nước. Nhưng kinh nghiệm thực tiễn cho thấy thời vụ thích hợp nhất với cây cam là trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 - 6 dương lịch)

2. Cách trồng

Sau khi ủ hỗn hợp phân chuồng + vôi + lân + lớp đất mặt được 20 - 30 ngày, cần tiến hành đảo trộn và bổ sung thêm nấm Trichoderma sp., sau đó 5 – 7 ngày thì trồng cây con.

Cách đặt bầu cây con: Cây cam rất mẫn cảm với bệnh thối gốc xì mủ do nấm Phytophthora sp., và bệnh thối rễ vàng lá do nấm Fusarium sp, nên nếu có điều kiện thì trồng nổi là tốt nhất, để khi cây lớn lên phần rễ sát gốc được lộ lên khỏi mặt đất, giúp rễ cây không bị ngộp, oxy trao đổi vùng rễ nhiều, phát triển tốt và ít nhiễm bệnh như xì mủ thối gốc, thối rễ vàng lá.

3. Phân bón cho cây cam

Bón phân cho cam là điều rất cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao phẩm chất tốt, tránh hiện tượng cho trái cách niên.

a) Liều lượng bón:

Chia làm 02 thời kỳ: Thời kỳ kiến thiết cơ bản (0 – 2 năm tuổi) và thời kỳ kinh doanh (>2 năm tuổi). Tùy vào chân đất, lượng quả thu hoạch năm trước để tính toán bón phân cho phù hợp để đạt năng suất cao và bền vững.

Bảng 1: Bón phân cho cam theo thời kỳ

Loại phân

1-2năm tuổi

3-5 năm tuổi

>5 năm tuổi

Phân hữu cơ (kg/cây)

25-30

35-40

45-50

Vôi (kg/cây)

0,5

0,7-0,8

1,0

N (g/ cây)

80-150

200-250

300-400

P2O5 (g/cây)

100-150

150-200

250-300

K2O (g/cây)

100-150

150-250

300-400

b. Thời gian bón:


- Thời kỳ kiến thiết cơ bản:

+ Phân hữu cơ, phân lân bón vào tháng 12 hoặc tháng 1.

+ Phân đạm, phân kali chia làm 03 lần bón, mỗi lần cách nhau 3-4 tháng: Lần 1: 30% đạm: lần 2: 40% đạm + 100% kali; lần 3: lượng đạm còn lại. Tuy nhiên, thời gian bón còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

- Thời kỳ kinh doanh:

Sau thu hoạch, bón phục sức cho cây, giúp cây phân hóa mầm hoa:

+ Bón vôi + toàn bộ phân hữu cơ + toàn bộ phân lân + 1/3 phân đạm + 1/3 phân kali.

+ Bón trước trổ hoa 6 tuần: 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali.

+ Bón lúc quả lớn bằng ngón tay cái: 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali.

Tuỳ theo đặc điểm đất đai có thể tăng giảm lượng phân bón cho thích hợp. Khi bón đào hố hoặc cuốc rãnh nông luân phiên chung quanh tán cây.

Ngoài ra, để hạn chế nấm bệnh gây hại, đầu mùa mưa cần bón kết hợp phân hữu cơ với 100g nấm Trichoderma sp/cây.

c. Cách bón

Thời kỳ kiến thiết cơ bản: phân lân và phân hữu cơ đào rãnh theo hình chiếu tán cây rồi bón, bón xong lấp đất lại và tưới nước đủ ẩm cho cây hút. Phân đạm và phân kali hòa vào nước tưới.

Thời kỳ kinh doanh: tiến hành đào rãnh bón vào gốc.

Sử dụng phân bón lá: sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng S, Mg, Zn, B cao. Phun đều mặt trên và mặt dưới lá vào lúc trời mát và không có mưa và khi đất đủ ẩm. Phun phân bón lá 2 - 3 lần/năm.

Tưới nước

Cam có nhu cầu nước rất lớn nhưng cũng không chịu được úng nên cần thoát nước tốt cho vườn trong mùa mưa, tránh ngập úng làm cây sinh trưởng kém dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh thối gốc, rễ. Mùa khô cần tưới đủ nước để cây phát triển.

4. Trồng cây phủ đất

Mục đích: Chống xói mòn, rữa trôi do điều kiện canh tác, điều kiện thời tiết mưa nhiều, tạo lớp thảm giữ ẩm trong mùa khô, điều tiết ẩm độ đất, ẩm độ không khí trong vườn, là nguồn hữu cơ cho đất, giúp hệ vi sinh vật đất phát triển mạnh.

Có nhiều loài thực vật dùng làm cây phủ đất. Tuy nhiên để cây phủ đất phát huy nhiều tác dụng, các nhà khoa học khuyến cáo nên trồng cây họ đậu, các vi khuẩn cộng sinh với rễ cây họ đậu tạo các nốt sần có tác dụng cố định đạm từ không khí làm đất đai ngày càng màu mỡ.

5. Tỉa cành tạo tán

Hàng năm cần tỉa cành tạo tán cho cây cam, giúp cây có bộ tán cân đối, khỏe mạnh. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cần tạo dáng, tạo hình cho cây, giúp tán cây cân đối, tán dù, phân cành đủ 4 hướng.

Thời kỳ kinh doanh (cho quả), việc tỉa cành tạo tán có nhiều tác dụng như tỉa bỏ cành vượt, cành trong tán, cành sâu bệnh, giảm sự cạnh tranh lãng phí chất dinh dưỡng.

6. Kỹ thuật điều khiển ra hoa, trái sớm

Giai đoạn

NỘI DUNG, CÔNG VIỆC

Sau khi thu hoạch

- Mục tiêu kích thích cho cây 1 - 2 cơi đọt giúp cho cây phục hồi các chất chất dự trữ

- Cắt tỉa cành sâu bệnh, cành ốm yếu, đan chéo trong thân.

- Bón phân: 20 - 30 kg phân hữu cơ và 1 - 2 kg phân hóa học NPK có tỉ lệ 3 : 2 : 1

- Tưới nước: 5 – 7 ngày/lần, nếu kích thích ra thêm cơi đọt thứ hai thì bón phân và tưới nước như khuyến cáo trên

- Phun thuốc trừ rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa khi lá non bị tấn công

- Phun phân bón lá bổ sung nếu chồi phát triển chưa được tốt

Trước khi kích thích ra hoa

- Mục tiêu: Làm giảm sự sinh trưởng của cây, giúp cây chuyển từ giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng sang giai đoạn sinh trưởng sinh thực để ra hoa:

- Bón phân có tỉ lệ phân đạm thấp, tăng tỉ lệ lân và kali như phân có tỉ lệ 1 : 3 : 3

- Phun MKP (0 – 52 – 34 ) ở nồng độ 0,5% - 1,0% phun 2 – 3 lần

- Bắt đầu xiết nước cho đến khi kích thích ra hoa

Khi xử lý ra hoa

- Tùy từng loại đất, tuổi cây, từ khi xiết nước đến khi kích thích ra hoa khoảng 10 – 20 ngày. Khi cây xào lá (lá héo) thì tiến hành tưới đẩm nước, đồng thời bổ sung thêm đạm, phun chất kích thích ra hoa Thiourê (0,3%) hoặc Nitrat kali 1% để hoa ra đồng loạt hơn.

Kích thích đậu trái

- Kết thúc quá trình kích thích ra hoa: Bón phân và tưới nước giúp cho quá trình đậu trái tốt hơn (Bón phân với tỉ lệ 1:1:1)

 

- Rụng nhụy, đậu trái: Phun phân bón lá (15-30-15+TE) để hạn chế sự rụng trái non

 

Trái phát triển (bón phân theo công thức 2:1:2, nên bón làm nhiều lần (15 - 20 ngày/lần), 0,3-0,5 kg/cây. Phun Ca(NO3)2 ở nồng độ 0,1-0,2% giai đoạn trái phát triển và kali ở nồng độ 0,1 - 0,5% trước khi thu hoạch 30 ngày để tăng phẩm chất trái.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Xem tất cả

Viết Bình luận